Hoa Kỳ là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
Năm 2022, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước) và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Hoa Kỳ cũng là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta từ năm 2018.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ; kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2022 là 123 tỷ USD, tăng gấp 273 lần so với 450 triệu USD vào năm 1994. Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam, với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD.
Nhiều đoàn DN rất lớn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và đưa ra thông điệp đáng tin cậy về xu hướng các DN Hoa Kỳ đang hoạt động và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, như: Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.
Nhiều công ty Hoa Kỳ đang hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để đạt được mục tiêu xóa bỏ "dấu chân carbon", góp phần cung cấp cho Việt Nam nguồn nhân lực có kỹ thuật cao và xây dựng các khu công nghiệp carbon thấp.
Bước sang năm 2023, quan hệ đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ đang có thêm động lực bổ sung tích cực từ các sự kiện kinh tế đối ngoại mới của Việt Nam. Ngày 27/5/2023, các Bộ trưởng thương mại của Việt Nam, Hoa Kỳ và 12 đối tác khác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), đã công bố kết thúc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên.
Thỏa thuận được đề xuất nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi, hiệu quả, năng suất, tính bền vững, minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, công bằng và tính toàn diện của chuỗi cung ứng thông qua cả các hoạt động hợp tác và hành động riêng lẻ được thực hiện bởi từng đối tác IPEF...
Đặc biệt, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa qua, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam nhận được nhiều xung lực mới, mạnh mẽ, tích cực dựa trên những kết quả đột phá mà Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được trong quan hệ song phương được ghi nhận trong Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo hai nước đã đưa ra ngày 11/9/2023.
Việc nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện, cũng như việc Hoa Kỳ sẽ tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ là những trụ cột vững chắc mới, củng cố niềm tin của DN với chính phủ, giữa chính phủ với chính phủ và giữa nhân dân hai nước.
Củng cố cơ sở và động lực, cơ hội mới thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, trong đó có hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và giúp nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam so với các quốc gia khác, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm thu hút đầu tư hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, trong đó có các dòng FDI từ các đối tác hàng đầu nắm giữ công nghệ nguồn, có sức mạnh tài chính và chiến lược đầu tư lâu dài vào Việt Nam...
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để khai thác các cơ hội mới và hiện thực hoá các kỳ vọng thu hút FDI trong thời gian tới, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, bên cạnh yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị thế và năng lực cạnh tranh môi trường kinh doanh quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI; hiện đại hoá hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với cơ chế quản lý linh hoạt; cải thiện môi trường kinh doanh phù hợp với yêu cầu và tạo thuận lợi cho cho các tập đoàn lớn có thể đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực ưu tiên, nhằm hướng mạnh FDI vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của DN Việt Nam với DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia lớn.
Theo đó, cần xác định lại các lợi thế cạnh tranh của nước ta trong giai đoạn mới, không chỉ dựa vào giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào, mà còn là các yếu tố mới, như: Sức hấp dẫn và sự minh bạch của môi trường đầu tư theo hướng đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính, mức độ làm quen với các dự án công nghệ và yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ; phát triển cơ sở hạ tầng...
Đồng thời, trong bối cảnh thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% theo trụ cột 2 của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2024, Việt Nam cũng cần sớm nghiên cứu và triển khai các giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho DN FDI; trước hết là ưu đãi hơn về thời hạn visa DN, thủ tục và chi phí tuân thủ về cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập DN, kiểm tra - giám sát hải quan, giá thuê đất khu công nghiệp, đào tạo lao động và dứt khoát loại bỏ các chi phí không chính thức.
Thứ hai, Việt Nam cần hình thành hệ sinh thái hỗ trợ thực chất chuỗi các nhà cung ứng nội địa nâng cao năng lực quản trị hiện đại, cải tiến liên tục (Kaizen) và phát triển ổn định, bền vững, sản xuất sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn thế giới; nỗ lực phát triển cộng đồng DN Việt tiến tới cung ứng sản phẩm mang thương hiệu của mình để vừa có lợi nhuận cao, vừa nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào thương hiệu Việt.
Chính phủ cần chủ động phối hợp với chính phủ Hoa Kỳ và các nước khác trong việc sớm gỡ bỏ các rào cản liên quan đến hàng rào kỹ thuật, thủ tục pháp lý cho hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư công bằng và mở rộng thị trường cho cả hai bên; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN các bên kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả, thành công tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà các nước chủ đầu tư có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển.
Thứ ba, các cơ quan chức năng và cộng đồng DN cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, bảo đảm thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá và phòng, chống các biểu hiện né tránh thuế, gian lận thương mai, cũng như bảo vệ những lợi ích chính đáng của DN.
Xây dựng và tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư; tăng cường kết nối và phát huy sức mạnh cộng đồng, khát vọng hùng cường của cộng đồng doanh nhân và người Việt trong nước, cũng như đang sinh sống, kinh doanh ở nước ngoài để gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Tất cả để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng và thu hút FDI vào Việt Nam nói chung sang một trạng thái mới, với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, tương xứng với sự gia tăng của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.../.