Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phát biểu tại Phiên họp, liên quan đến nội dung bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP. Hải Phòng) chỉ rõ, theo quy định tại Điều 8 Dự thảo Luật: “Khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện... Khi có sự mâu thuẫn giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch… ”.
Theo đại biểu, quy định như trên làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch được thực hiện; hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới thực hiện.
Hơn nữa, Điều 8 mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. Trên thực tế, còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý.
Cũng theo đại biểu Lã Thanh Tân, mặc dù Điều 7 Dự thảo Luật đã có các nguyên tắc để bảo đảm tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không thể tránh khỏi.
“Quy định như Dự thảo Luật nếu phát sinh mẫu thuẫn các quy hoạch thì trình tự ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền là như thế nào, thời gian bao lâu, phải theo quy định của Chính phủ; hoặc trường hợp điều chỉnh quy hoạch cũng không rõ là quy hoạch sẽ được điều chỉnh theo hướng quy hoạch nào giữ nguyên, quy hoạch nào phải điều chỉnh?” - đại biểu nêu vấn đề.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Để từ đó, khi thực tế xảy ra sẽ có cơ sở xác định và áp dụng được ngay, tránh lãng phí về thời gian, vật chất cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư và nguồn lực nhà nước.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) phân tích, Dự thảo Luật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.
Theo đại biểu, quy định này làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch, quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị, nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) chỉ ra, Điều 34 Dự thảo Luật vẫn quy định có 4 loại quy hoạch hạ tầng kỹ thuật gồm có quy hoạch về cao độ nền và thoát nước, quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước, quy hoạch chất thải rắn và nghĩa trang.
“Nếu quy định thế này còn vấn đề về viễn thông, năng lượng, thủy lợi, điện sẽ được phát triển ở đâu. Các yếu tố như giao thông, thủy lợi, viễn thông và điện đều có liên hệ mật thiết với nhau, nếu chúng ta tách rời ra có thể dẫn đến tình trạng mâu thuẫn” - đại biểu Cường nói và đề nghị nên gộp cả quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật vào một quy hoạch.
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, liên quan đến giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn trong quy hoạch, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại Điều 7 và tách thành Điều 8 với nội dung cụ thể.
Thứ nhất, trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn cùng cấp độ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì phải thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh.
Thứ hai, trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn khác cấp độ thì các cơ quan, tổ chức lập quy hoạch thực hiện rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định cụ thể tại Luật này.
Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch có cùng cấp độ thì nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ để đảm bảo yêu cầu nguyên tắc trong hoạt động về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đối với các mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định rõ hơn liên quan đến xử lý vấn đề này.