Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Định kỳ 2 năm, báo cáo Quốc hội về tài chính công đoàn
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan đến quy định về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 31), trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn.
Dự thảo Luật không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn.”
Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, ý kiến các cơ quan, một số quy định của Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa.
Cụ thể, giữ lại cụm từ “Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và cụm từ “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội để thực hiện những nhiệm vụ” như quy định của Luật hiện hành để khẳng định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng bổ sung, làm rõ hơn các quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn; bổ sung quy định định kỳ 02 năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn…
Liên quan đến quy định giữ mức kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thảo luận tại Phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục duy trì mức đóng này.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu cho rằng, quy định này đã được duy trì và phát huy hiệu quả hơn 60 năm qua (từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay). Nguồn kinh phí này được sử dụng chủ yếu để trực tiếp chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở.
“Việc Luật hóa và tiếp tục duy trì quy định này là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình với đoàn viên, người lao động; trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”- đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.
Thực tiễn qua nhiều thập kỷ, tổ chức công đoàn thu nguồn kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn xây dựng nguồn lực đủ mạnh, để chăm lo tốt cho đoàn viên công đoàn và người lao động, tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa tổ chức công đoàn, người lao động và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang)
Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cũng chỉ rõ, nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn khác là cơ sở rất quan trọng để tổ chức cho hoạt động của công đoàn và xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn. “Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc thu 2% kinh phí này là hợp lý và đảm bảo được hoạt động của công đoàn một cách bền vững” - đại biểu nói.
Bảo đảm tính chủ động, độc lập trong sử dụng kinh phí công đoàn
Quan tâm đến quy định về quản lý và sử dụng tài chính công đoàn, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) bày tỏ tán thành việc không quy định cụ thể về phương án phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định đảm bảo cơ chế để thực hiện nội dung này.
“Việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp cần quy định giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định như thực tiễn từ trước đến nay công đoàn vẫn đang làm nhiệm vụ này, đảm bảo tính linh hoạt trong công tác quản lý. Tùy theo nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp và đảm bảo được quyền tự quyết trong công việc nội bộ của công đoàn theo thông lệ quốc tế” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương và các đại biểu đề nghị rà soát thêm quy định “sau khi thống nhất với Chính phủ thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công đoàn”.
Theo đại biểu, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn hiện hành đang trao quyền tự chủ cho tổ chức công đoàn trên cơ sở vận dụng định mức, chế độ do Nhà nước quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý trong hệ thống tổ chức công đoàn để thực hiện. Báo cáo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính công đoàn, báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 cũng không thấy có vướng mắc gì về vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định phân quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc này.
“Để công tác tài chính của công đoàn được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật trong triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc quy định thêm một bước thống nhất với Chính phủ chỉ là thêm thủ tục, tăng thêm thời gian và không mang tính linh hoạt.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng quy định này sẽ làm tăng thêm thủ tục gây khó khăn cho hoạt động của công đoàn, bởi nội hàm cách thức thực hiện không khả thi. “Nên giao cho Tổng Liên đoàn tự quyết, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật là phù hợp. Tôi đề xuất cân nhắc bỏ quy định này nhằm tạo sự chủ động trong hoạt động công đoàn, phù hợp với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay” - đại biểu Dương Văn Phước kiến nghị.