Giải quyết những “điểm nghẽn” để phát triển đô thị bền vững

(BKTO) - Phát triển đô thị nhanh, bền vững là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ để gỡ “điểm nghẽn”, qua đó tạo ra sự thay đổi đột phá cho quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam.

15-thay.jpg
Hệ thống đô thị cả nước đã tăng nhanh về số lượng. Ảnh: ST

Nhiều áp lực lên hệ thống đô thị

Đánh giá về sự phát triển đô thị trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống đô thị cả nước đã tăng nhanh về số lượng, đã hình thành các vùng đô thị hóa cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Hiện nay, cả nước có khoảng 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 43,1%; tổng số các đô thị từ loại IV trở lên đạt gần 200 đô thị.

Đặc biệt, đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp cải tạo, mở rộng về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Những kết quả tích cực trong quản lý phát triển đô thị đã đóng góp quan trọng để các đô thị phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng, miền và là một động lực chủ đạo trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Theo đó, nhờ vào sự đóng góp của các đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, trong đó khu vực đô thị chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP); thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn, chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng được nâng cao…

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam đạt tối thiểu 45%, số lượng đô thị trên toàn quốc khoảng 950 - 1.000 đô thị, kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Xây dựng đánh giá sự phát triển đô thị trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Chẳng hạn như, đô thị hóa còn dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thực sự hiệu quả; chất lượng hạ tầng đô thị còn hạn chế, đặc biệt là đối với các thành phố lớn, gây ra nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh… Sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị thời gian qua tiếp tục tạo nên thách thức trong việc cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị trong thời gian tới…

Theo các chuyên gia, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Biểu hiện là, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, quy hoạch đô thị phải điều chỉnh khá thường xuyên; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị tại nhiều địa phương còn yếu; còn có tình trạng địa phương đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị cũng như nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị… Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đến việc đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển đô thị, từ đó nâng cao chất lượng quá trình đô thị hoá.

Thúc đẩy phát triển đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh việc tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp, đã và đang tác động nặng nề đến sự phát triển của nền kinh tế thì một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là cần phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, với đường bờ biển dài 3.260km, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu đa dạng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và đặc biệt là nhạy cảm trước hiện tượng nước biển dâng và bão, áp thấp nhiệt đới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia năm 2020, nếu mực nước biển dâng 100cm thì 47,29% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao; vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung có nguy cơ ngập tương ứng là 13,2% và 1,52% diện tích. Theo kịch bản về nước biển dâng của Việt Nam, năm 2100 có thể dâng cao hơn hiện nay trung bình là 73cm, sẽ gây ngập 34 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, trong đó có 80% diện tích đất của tỉnh Hậu Giang và 40% diện tích đất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long… “Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hệ thống đô thị sẽ tác động trực tiếp tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như đã được xác định rõ trong các nghị quyết, chương trình, đề án... của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, chính quyền đô thị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, các địa phương cần quy hoạch đô thị bền vững, xây dựng kế hoạch quy hoạch đô thị tích hợp có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; các đô thị nên được thiết kế với hệ thống thoát nước hiệu quả, khu vực xanh bảo vệ môi trường và khả năng chống chịu cao. Song song với đó, cần tăng cường hệ thống cảnh báo và ứng phó khẩn cấp, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phương án ứng phó khẩn cấp với tình huống thời tiết cực đoan. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; tòa nhà và công trình công cộng nên được trang bị hệ thống năng lượng sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; đồng thời tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông xanh, đẩy mạnh xây dựng công trình xanh, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và công nghệ tiết kiệm năng lượng./.

Cùng chuyên mục
  • Chủ động để GenAI mang lại lợi ích, đảm bảo công bằng
    14 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việc áp dụng AI tạo sinh (GenAI) rất quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) hướng tới mục tiêu tăng trưởng mang tính chuyển đổi và duy trì lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số hóa toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng GenAI không phải là không có rào cản và rủi ro, buộc các DN phải có chiến lược chủ động để mang lại lợi ích và đảm bảo sự công bằng.
  • “Bịt lỗ hổng” thể chế để phòng, chống tham nhũng
    28 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Chính phủ xác định thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
  • Năng lượng tái tạo: Thu hẹp khoảng cách và mở rộng quy mô tăng trưởng
    một tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năng lượng tái tạo (NLTT) ước tính chiếm 77% nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp của thế giới vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, việc triển khai NLTT phải tăng gấp ba lần so với mức năm 2022 vào năm 2030, tương đương với mức bổ sung hằng năm là 1200 gigawatt.
  • Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng kinh tế - xã hội nông thôn
    một tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau một thời gian triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực tế còn một số vướng mắc đòi hỏi cần được chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời để đưa Chương trình về đích đúng hẹn, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho vùng nông thôn.
  • Tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nhận thức rõ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn đang dần thay đổi cả thế giới, Việt Nam đã và đang chủ động nắm bắt mọi cơ hội, để có thể tham gia vào “cuộc chơi” này, vì một tương lai phát triển bền vững. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt về nhân lực ngành bán dẫn đang đặt ra cho Việt Nam một bài toán lớn, cần sự giải đáp.
Giải quyết những “điểm nghẽn” để phát triển đô thị bền vững