Kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước: DNNN cần khắc phục nhiều hạn chế, bất cập

(BKTO) - Từ kết quả kiểm toán năm 2015 về niên độ tài chính 2014 của 234 DN thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty cho thấy, các DNNN cần phải nỗ lực để vượt qua khó khăn, đồng thời khắc phục, chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế để hướng tới mục tiêu sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào việc phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế.




Nhiều khoản đầu tư tài chính của các DNNN không đem lại hiệu quả Ảnh: TS

Hiệu quả hoạt độngcủa nhiều DN giảm sút

Năm 2014, có 33/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty được kiểm toán kinh doanh có lãi, bảo toàn được vốn, tiếp tục đóng góp vào phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, một phần nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh đến từ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao đã tác động đến sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, công ty (sau đây gọi chung là DNNN). Khó khăn càng lớn hơn khi hoạt động của DN đặt trong bối cảnh năm 2014, kinh tế thế giới đã phục hồi chậm hơn dự báo, còn nhiều bất ổn và biến động phức tạp. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan này, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân chủ quan tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DNNN. Nhiều DNNN quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; chưa ban hành Quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi.

Một số DNNN quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định. Bên cạnh một số khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả thì nhiều khoản vốn góp của DNNN vào những DN khác có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể, nhất là một số khoản đầu tư của Vinalines vào các công ty vận tải, công ty khai thác cảng; PVN đầu tư vào công nghiệp đóng tàu, đầu tư tài chính; Vinaincon đầu tư vào xi măng, thủy sản; Hapro đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết; Vinataba đầu tư vào thực phẩm, xuất - nhập khẩu…

Đa số các DNNN được kiểm toán đã ban hành Quy chế giám sát tài chính và hiệu quả hoạt động, công khai tài chính, nhưng hầu hết các DN phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Hoạt động kinh doanh của nhiều DN chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Các DNNN có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều còn dự án chậm tiến độ, một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư. Nhiều DN sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích diện tích đất đang được quản lý.

Cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu DNNN

Kết quả kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 cho thấy, đến 31/12/2014 đã có 319 DN và bộ phận DN được sắp xếp lại (cụ thể đã cổ phần hóa 260 DN; sáp nhập, hợp nhất 34 DN; giải thể 9 DN; phá sản 6 DN; bàn giao 6 DN), đạt 52% kế hoạch. Số vốn nhà nước tại các DN theo giá trị sổ sách đã được thoái là 11.329 tỷ đồng, thu về 16.346 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Trong đó, riêng các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thoái được 4.886 tỷ đồng, thu về 5.493 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tế thực hiện Đề án, gồm 16 Nghị định, Quyết định về các cơ chế chính sách đổi mới tổ chức, quản lý và hoạt động đối với DNNN; 6 Nghị định, Quyết định về các cơ chế chính sách tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn tại DN.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN về SCIC; hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số DN chưa cao… do hạn chế trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án của các cơ quan có thẩm quyền và DN.

Cụ thể, về phía các cơ quan có thẩm quyền, việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu còn thiếu chuyên nghiệp, chưa tách biệt giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với các chức năng quản lý nhà nước. Sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan T.Ư, UBND các tỉnh, thành phố với SCIC chưa tốt. Quy định về sắp xếp, phân loại DN có vốn nhà nước thuộc diện chuyển giao trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, dịch vụ công ích chưa rõ ràng. Cơ quan chức năng chưa tổng kết, đánh giá việc thí điểm giao cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa thuộc UBND TP. HCM để có định hướng rõ ràng…

Đối với các DN, KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập như: DN xây dựng đề án chưa sát với tình hình thực tế… làm chậm tiến độ thực hiện; tái cơ cấu về ngành, nghề kinh doanh chưa triệt để, chưa chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành; ngành, nghề chính còn trùng lặp. Còn có trường hợp DN chưa thực hiện tái cơ cấu tài chính nên chưa xử lý được các tồn tại, không tự cân đối được nguồn trả nợ, chưa cấp đủ vốn điều lệ. Việc thoái vốn của nhiều DN còn chậm, không đảm bảo theo lộ trình; còn trường hợp thoái vốn trong nội bộ hoặc chuyển nhượng giữa các DNNN với nhau. Thực hiện tái cơ cấu về tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn tình trạng cạnh tranh nội bộ và chưa có sự liên kết giữa các DN thành viên, chưa thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác triệt để…

Để quá trình tái cơ cấu DNNN đạt được mục tiêu theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, KTNN đã kiến nghị các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước rà soát, tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án đã được phê duyệt, nghiêm túc rút kinh nghiệm và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những tồn tại, hạn chế để xử lý theo quy định…

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước 1560: Căn cứ pháp lý quan trọng đối với cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN) 1560 - Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, nằm trong số 39 CMKTNN được ban hành ngày 15/7 theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN của KTNN và có hiệu lực kể từ ngày 15/9 tới. Nội dung CMKTNN 1560 nói riêng và hệ thống CMKTNN nói chung là căn cứ pháp lý quan trọng để các Kiểm toán viên (KTV) nhà nước thực hiện tốt các cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC).
  • ASOSAI góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Là một ngành còn tương đối trẻ trong tổ chức nhà nước Việt Nam, với phương châm tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để tăng cường năng lực nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, kể từ khi thành lập tới nay, KTNN Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế. Từ năm 1997, KTNN trở thành thành viên chính thức của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực châu Á (ASOSAI). Kể từ đó, việc tiếp cận các kinh nghiệm kiểm toán quốc tế tiên tiến và thông lệ tốt của ASOSAI đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chung của KTNN, hoàn thiện, tăng cường và nâng cao năng lực thể chế của KTNN theo từng giai đoạn.
  • KTNN chỉ rõ nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 26/8, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng đã chủ trì buổi họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 về niên độ tài chính - ngân sách 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 của KTNN. Đồng chủ trì buổi họp báo có ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN. Đông đảo các phóng viên của gần 100 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN đã đến tham dự.
  • Truy thu thuế TTĐB năm 2013: Sabeco nghiêm túc thực hiện kiến nghị kiểm toán
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - 10 tháng sau khi Báo cáo kiểm toán Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm 2014 về niên độ tài chính 2013 được phát hành, trong đó KTNN có kiến nghị truy thu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2013 số tiền 408,8 tỷ đồng đối với 9 đơn vị của Sabeco, tất cả các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện nộp đủ toàn bộ số tiền KTNN kiến nghị vào NSNN.
  • Hệ thống Chuẩn mực KTNN: Bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán Việt Nam
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - 39 Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành theo Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7. Hệ thống Chuẩn mực này về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và là một bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước: DNNN cần khắc phục nhiều hạn chế, bất cập