Thưa ông, vừa qua, nhiều hiện tượng đáng chú ý liên quan đến vấn đề thiếu minh bạch trong thu phí, quản lý tiền công đức đã xảy ra tại các di tích. Quan điểm của ông về những hiện tượng này như thế nào?
- Nói về các hiện tượng trên, chắc hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ trường hợp xảy ra tại Đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Trong thời gian chục năm liền, số tiền công đức thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước chỉ có vỏn vẹn khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ khi có ban quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền đó là 11 tỷ đồng. Rõ ràng, sự thay đổi ban quản lý đã mang lại một hiệu ứng tích cực, khi số tiền công đức đã thu và được công khai lớn gấp hàng trăm lần so với trước.
Đây chính là kết quả của sự công khai, minh bạch trong quản lý tiền công đức. Đáng tiếc là tới giờ, không phải di tích nào cũng có được sự thay đổi như tại Đền ông Hoàng Mười, điều đó đồng nghĩa với việc còn rất nhiều nguồn tiền công đức khác không được công khai, thậm chí là không được sử dụng đúng mục đích.
Cũng liên quan đến di tích, mới đây, việc thu phí tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh) đã gây xôn xao trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, theo tôi, việc này không trái Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Phí và Lệ phí. Tiền phí thu tại các di tích nhằm tạo nguồn kinh phí tái tu bổ, tái tôn tạo các di tích.
Việc quản lý nguồn tiền công đức gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định pháp lý. Ảnh: ĐINH THỊ THUẬN
Tuy nhiên, trong vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh cần xem lại việc thu phí tại một quần thể Yên Tử rất rộng như vậy liệu có phù hợp hay không? Chưa kể, việc sử dụng nguồn tiền này có đúng hay trái quy định, trái mục đích?
Vậy đâu là những bất cập trong việc quản lý tiền phí, tiền công đức tại di tích bấy lâu nay, thưa ông?
- Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta thiếu một cơ chế quản lý thống nhất, khiến mỗi di tích làm một kiểu.
Việc quản lý tiền công đức hiện giờ đang phụ thuộc vào các địa phương được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý. Ban quản lý di tích, chính quyền xã báo cáo bao nhiêu huyện biết chừng ấy chứ chưa có cơ chế nào để yêu cầu báo cáo cụ thể việc thu, chi. Việc sử dụng tiền công đức đúng mục đích hay không cũng chưa có cơ chế kiểm soát…
Tiền công đức là do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp nên cần được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và phải được sử dụng đúng mục đích, tâm nguyện của các nhà hảo tâm phát tâm công đức. Vì vậy, việc xây dựng các quy định có liên quan nhằm đảm bảo thu, chi tiền công đức đúng mục đích. Đồng thời, định kỳ hàng quý, Ban quản lý di tích cần thực hiện niêm yết việc thu, chi công khai tại di tích để người dân cùng rõ.
Bên cạnh đó, những bức xúc của người dân trong việc thu phí tại di tích cũng đến từ quy định pháp luật còn thiếu rõ ràng. Theo quy định, nếu danh thắng thì được thu phí để trùng tu và bảo tồn nhưng với hệ thống cơ sở tôn giáo thì không được phép. Thế nhưng, việc phân biệt cơ sở tôn giáo và danh thắng còn mập mờ. Hiện nay, các cơ sở tôn giáo thường nằm ở những khu vực có danh thắng tuyệt đẹp như Chùa Hương, Tràng An… Khi đến đây, người dân không chỉ thực hành tín ngưỡng mà còn tham gia các hoạt động tham quan thắng cảnh. Do đó, việc thu phí tại những địa điểm này dù đúng luật song cũng không tránh khỏi những ý kiến thắc mắc của người dân.
Theo ông, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên?
- Trước hết, cơ quan quản lý cần sớm ban hành và hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, nhằm thống nhất trong quản lý phí, tiền công đức. Hiện nay, Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến, trong đó có nội dung quản lý tiền công đức.
Tuy nhiên, nội dung ra sao, cách thức triển khai, thực hiện sau khi ban hành Nghị định vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Bởi, đây không phải là lần đầu tiên Bộ đưa vấn đề này ra bàn, song do tính chất nhạy cảm nên đến nay, việc quản lý phí di tích, tiền công đức vẫn còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người làm công tác quản lý tại di tích và người dân nói chung. Khi người dân có tiếng nói mạnh mẽ, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích sẽ phải công khai và nghiêm túc trong quản lý các khoản tiền trên.
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần tăng cường công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính nêu trên. Đặc biệt, cơ quan thanh tra, KTNN cần vào cuộc thanh tra, kiểm toán để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thu phí và quản lý tiền công đức gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hiện nay, mới chỉ có việc thu phí là được thanh tra, kiểm toán, còn công tác quản lý tiền công đức vẫn chưa được đụng chạm đến. Đây cần được coi là vấn đề gợi mở để các cơ quan trên xem xét và thực hiện, bởi dư luận xã hội mong chờ đã lâu và số tiền công đức nếu được tổng hợp thì không phải là nhỏ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018