APEC là thị trường chủ lực của DN Việt
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), những năm qua, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường châu Á - Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC. Điều này được thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt khoảng 98,4 tỷ USD, tăng khoảng 8% (tương đương 106,1 tỷ USD) vào năm 2015 và đạt khoảng 119,7 tỷ USD đến năm 2016.
Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia và Singapore. Trong đó, một số đối tác quan trọng được biết đến như những nhà xuất khẩu trung gian lớn, thực hiện tái xuất hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sang các quốc gia phát triển. Nhờ vậy, hàng hóa Việt Nam ngày càng có cơ hội tiếp cận các thị trường ngoài khu vực và đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, các thành viên APEC còn là những đối tác quan trọng của các DN nhập khẩu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và đặc biệt là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phụ tùng nhằm phục vụ tích cực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng gia tăng trong nước. Các cam kết quan trọng về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ APEC có tác động tích cực và trực tiếp lên hoạt động nhập khẩu của các DN Việt.
Mặt khác, kinh nghiệm hỗ trợ DN nhỏ và vừa của các nước thành viên APEC qua hơn 24 năm hoạt động chính là những bài học quý để Việt Nam nỗ lực tận dụng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC, từng bước điều chỉnh cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa phát triển. Minh chứng là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV có nhiều nội dung, nhất là các vấn đề liên quan đến hỗ trợ DN, đã được kế thừa, đúc kết từ kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên APEC.
Cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
Trên nền hợp tác phát triển trong những năm qua, APEC 2017 được kỳ vọng tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác thuận lợi cho cộng đồng DN Việt, nhất là những DN nhỏ và vừa.
Đóng góp vào các hoạt động phong phú của năm APEC 2017 là Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng DN nhỏ và vừa APEC năm 2017 diễn ra từ ngày 10 - 15/9 tại TP. HCM, với 3 chủ đề: tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hoá môi trường kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh; đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số trên cơ sở thúc đẩy DN khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh. Đây là những nỗ lực và sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017.
Trọng điểm của Tuần lễ trên chính là Hội nghị Bộ trưởng DN nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 được tổ chức ngày 15/9 tới. Dự kiến, Hội nghị sẽ trao đổi và thông qua Tuyên bố APEC về thúc đẩy DN khởi nghiệp; Chiến lược thúc đẩy DN nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Với một loạt sự kiện được tổ chức, Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng DN nhỏ và vừa APEC năm 2017 đang diễn ra không chỉ đóng góp vào các hoạt động phong phú, đa dạng của năm APEC 2017 tại Việt Nam mà còn được kỳ vọng mở ra những cơ hội thuận lợi để DN nhỏ và vừa của Việt Nam tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 14-9-2017