Gỡ cơ chế để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “thoát ế”

(BKTO) - Được triển khai từ tháng 4/2023, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển phân khúc nhà ở cho những người có thu nhập thấp hiện thực hóa giấc mơ “an cư, lạc nghiệp”. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của chương trình chưa được như kỳ vọng.

nha-o-xa-hoi.jpg
Nhiều doanh nghiệp “chùn chân” trước nhà ở xã hội vì lo thủ tục pháp lý

Đến giữa tháng 11/2023, chỉ có BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho các dự án thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỷ đồng, cho 3 dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng. Đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho 2 dự án với số tiền cam kết là 605 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan khiến cho gói tín dụng 120.000 tỷ tiếp tục “ế”. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố/gửi danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư cho NHNN và Bộ Xây dựng để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tiếp cận, thẩm định dự án. Như vậy, còn rất nhiều địa phương vẫn đang tổng hợp danh sách dự án có nhu cầu vay vốn theo chương trình này.

Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các NHTM thẩm định. Do đó, việc triển khai chương trình còn chưa được như dự kiến.

Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, nguồn cung nhà ở xã hội đang hạn chế, dù đây là phân khúc có lực cầu lớn. Nguyên nhân chính là do gặp khó về quỹ đất và các thủ tục đầu tư. Hiện trong luật, trình tự làm nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn ở một số khâu, một số bước, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài. Trong khi các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội chưa “tới”.

Theo quy định, các chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội được miễn giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, các ưu đãi tiếp cận vốn… Tuy nhiên, các ưu đãi lại không được tính vào giá bán khiến phân khúc này không thu hút được các chủ đầu tư.

Ông Võ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP Nhà ở xã hội TP.Hồ Chí Minh bộc bạch, khi chưa tham gia làm nhà ở xã hội doanh nghiệp đã thấy khó, khi tham gia lại thấy càng khó hơn. Cụ thể, ngoài vốn, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về quỹ đất. Do đó, doanh nghiệp mong muốn nhà nước rà soát quỹ đất cho thuê đưa vào danh mục phát triển nhà ở xã hội, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và tính chi phí đất đai này vào chi phí phát triển dự án.

Chia sẻ thêm về những khó khăn khi triển khai dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định hưởng cơ chế ưu đãi, trong đó vướng mắc nhất liên quan đến công tác điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng phải lần lượt thông qua ý kiến của các sở, ngành liên quan... Nên hiện nay, dù chính sách ưu đãi về vay vốn, lãi suất đã được thông qua nhưng tiến độ gỡ vướng về pháp lý, thủ tục đầu tư dự án nhà xã hội vẫn rất chậm.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, một số chủ đầu tư đã được TCTD hướng dẫn các thủ tục vay vốn ưu đãi, tuy nhiên chưa đáp ứng các điều kiện được thụ hưởng chính sách theo quy định. Một nguyên nhân khác là thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập người dân bị sụt giảm, nên người dân ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.

Là một trong những ngân hàng tích cực triển khai gói tín dụng này, ông Nguyễn Minh Trí,Thành viên HĐTV Agribank cho biết, NHTM thực hiện trách nhiệm huy động vốn để cho vay, khi cho vay ngân hàng đặt mục tiêu phải thu hồi vốn. Do đó, khi cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội phải bảo đảm pháp lý, kể cả người mua và doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa nhiều, nhưng theo ông Trí, ngân hàng luôn sẵn sàng, chỉ cần doanh nghiệp có đủ điều kiện pháp lý, đáp ứng được là giải ngân. “Agribank hay các ngân hàng khác đều mong chờ các dự án được hoàn thiện vì bất động sản cũng ảnh hưởng rất lớn đến các dự án khác”, ông Trí khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp BIDV cũng chia sẻ, ngân hàng luôn bám sát danh mục dự án đủ điều kiện để tiếp cận cho vay. Tuy nhiên, tiến độ ban hành, phê duyệt danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi và việc công bố thông tin dự án tại một số tỉnh, thành phố chưa theo mẫu của Bộ Xây dựng ban hành đang là những vướng mắc chính kéo chậm quá trình triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, ban hành danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn và công bố thông tin đầy đủ theo mẫu, để từ đó ngân hàng có căn cứ tiếp cận, phê duyệt và giải ngân cho dự án.

Tại Công điện số 1376 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Để đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố; đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về phía Bộ Xây dựng, tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các NHTM tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng lại chung cư./.

Cùng chuyên mục
Gỡ cơ chế để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “thoát ế”