Gỡ “điểm nghẽn” dự báo cung - cầu lao động

(BKTO) - Để khắc phục những điểm yếu về dự báo cung - cầu lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành song song phát triển mô hình dự báo với xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính liên thông, liên kết các Bộ.

tuyen-dung.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác dự báo chưa nhiều ý nghĩa với lao động và doanh nghiệp

Dự báo thị trường được xem là “chìa khóa” giúp tháo gỡ tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động hiện nay. Bằng cách cung cấp thông tin kịp thời, giải pháp này được kỳ vọng giúp người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo... điều chỉnh kế hoạch và có giải pháp hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, đây lại là “điểm nghẽn” hiện nay tại nước ta dù đã có nhiều mô hình về dự báo thị trường lao động được hình thành.

Thực tế từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các bộ, ngành...

Ngay cả các trường học, doanh nghiệp cũng có nhiều đơn vị tham gia vào quá trình khảo sát và dự báo cung - cầu lao động. Nhưng theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội - đánh giá, các báo cáo này chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp.

“Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau và chúng ta không biết sử dụng kết quả nào mới chính xác”, ông Toàn đánh giá.

Những hạn chế trong công tác phân tích, dự báo đã dẫn đến tình trạng thừa thiếu lao động. Ông Lại Đức An - Công ty TNHH Thành An, Hà Nội - cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên vì rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất, dù doanh nghiệp đã liên tục thông báo tuyển dụng nhưng vẫn không đủ lao động.

Theo ông An, thị trường lao động Việt Nam đang không cân đối ngành đào tạo vì việc đào tạo không phù hợp theo nhu cầu thực tế. Ví dụ, ngành bao bì có nhu cầu lao động rất lớn và doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này nhưng những trường đào tạo ngành này trong nước lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoặc như ngành tái chế là ngành kinh tế tuần hoàn, nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu hàng tái chế nhưng Việt Nam lại không tìm ra cơ sở đào tạo nhân lực ngành này, doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn.

Kết nối thị trường hiệu quả

Trước thực trạng trên, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua Dự án Hệ sinh thái năng suất lao động (PE4DW), Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp cho Việt Nam.

Hướng tiếp cận của mô hình này là cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết đến từng địa phương và đáp ứng đúng nhu cầu của các bên liên quan. Nếu thực hiện thành công, mô hình này sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời. Nhờ đó, người lao động biết được diễn biến thị trường đang ra sao để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp.

Doanh nghiệp xác định chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực có sẵn sàng cho họ mở rộng đầu tư hay chưa. Các địa phương cũng có thể chủ động hơn trong việc điều tiết lao động, thay vì phụ thuộc vào trung ương như hiện nay.

“Mô hình này cũng giúp giải quyết được vấn đề xã hội bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí cho xã hội. Người lao động dễ tìm việc. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo cho sản xuất kinh doanh”- ông Toàn kỳ vọng.

Dự kiến, mô hình dự báo này và nền tảng cơ sở dữ liệu (bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, cấu trúc cơ sở dữ liệu) sẽ được hoàn thiện vào năm 2024. Đến năm 2025, sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu và ra mắt mô hình ban đầu.

Thay vì bị động, chúng ta phải chủ động để nắm bắt, làm chủ được diễn biến thay đổi của cung - cầu lao động thì mới có thể quản trị, điều tiết thị trường lao động. Trên cơ sở xác định mô hình phân tích, dự báo phù hợp, chúng ta mới có thể biết rõ thông tin đầu vào và từ đó tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Đây chính là yếu tố then chốt, quyết định đến đầu ra của hoạt động phân tích dự báo.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Huy Bằng

Theo giới chuyên gia, mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình dự báo cung - cầu lao động sát với thực tế và phù hợp không hề đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Theo ông Phạm Mạnh Thùy - Trưởng Ban Nhân lực, Viện Chiến lược Phát triển, để dự báo được cung cầu lao động, cần xác định rõ các đối tượng được dự báo. Trình độ đào tạo của người lao động phải được xác định rõ khi xây dựng chiến lược nguồn nhân lực giai đoạn tới.

Đề cập tới vấn đề dự báo cung - cầu lao động, ông Thùy cho rằng: “Chỉ nên dự báo xu hướng, kỹ năng của người lao động, chứ không nên tham vọng dự báo kỹ năng của từng ngành”.

Ông Thùy lấy ví dụ, khi thị trường lao động thay đổi, nhu cầu lao động cũng thay đổi theo để thích ứng với công việc mới. Lao động không thể làm một việc suốt đời. Bởi vậy, theo ông Thùy, cần đào tạo những kỹ năng cơ bản cho lao động để họ có thể thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh, ví dụ, kỹ năng sử dụng tiếng Anh, kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng giao tiếp, công nghệ.../.

Cùng chuyên mục
Gỡ “điểm nghẽn” dự báo cung - cầu lao động