Cho vay tiêu dùng sụt giảm
Theo NHNN, hoạt động cho vay tiêu dùng đã phát triển cả về số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm và quy mô dư nợ. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010-2020 là 33,7%, luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).
Dẫn số liệu từ báo cáo của Chính phủ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt trên 2,42 triệu tỷ đồng, chiếm 20,34% tổng dư nợ tín dụng, tăng 22,26% so với ngày 31/12/2021.
Riêng đối với 16 công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép, đến cuối năm 2022, dư nợ đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Các chuyên gia nhận định, cho vay tiêu dùng có nhiều dư địa để phát triển bởi quy mô dư nợ lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tỷ lệ trung bình của các nước ở khu vực. Đây là phân khúc đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, cho vay tiêu dùng lại đang đứng trước nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Giai đoạn 2016-2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19-20%, chiếm 14-15% tổng dư nợ chung, cao hơn tăng trưởng chung nhưng điều này đã không được duy trì trong quý I/2023.
Tổng Giám đốc Công ty ATM Online (fintech cho vay tiêu dùng) - ông Đỗ Minh Hải - thừa nhận cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức do những khó khăn của nền kinh tế khiến thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp, lao động tự do - vốn là phân khúc khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính nói chung và fintech nói riêng - sụt giảm. Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho biết, sức hấp thụ vốn giảm ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) những tháng đầu năm nay đã liên tục suy giảm do biến động mạnh của thị trường quốc tế. Hiện PMI của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thấp nhất so với các nước ASEAN. PMI tháng 5 có 45,3 điểm, điều này cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia tài chính, ngân hàng, khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, đóng cửa xin giải thể hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến lao động thất nghiệp tăng cao.
Khi người lao động không có công ăn việc làm, không có nguồn thu nhập, nhu cầu vay tiêu dùng cũng giảm đi. Nhóm nghiên cứu của Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại cũng cho rằng, do thu nhập người dân không tăng kịp tốc độ của giá cả và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nên cho vay tiêu dùng sụt giảm.
Triển khai các gói tín dụng ưu đãi, mở rộng đối tượng cho vay
Nhằm kích cầu tiêu dùng, đẩy vốn ra nền kinh tế, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói cho vay tiêu dùng với quy mô và lãi suất hợp lý hơn so với trước. Điển hình là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã hợp tác với Công ty Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam triển khai chương trình cho vay mua xe với lãi suất từ 0-9,5%/năm. Kết hợp với Mitsubishi Motor Vietnam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng triển khai cho vay mua xe với lãi suất ưu đãi 8,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín cũng có gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm; đồng thời dành 5.000 tỷ đồng cho vay mua, xây mới hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất từ 10,68%/năm và được vay tối đa đến 30 năm.
Nhằm tạo điều kiện cho cá nhân vay mua nhà để ở, trong đó ưu tiên cho vay tại những dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, Ngân hàng TMCP Đại Chúng triển khai gói tín dụng ưu đãi 13.500 tỷ đồng, lãi suất giảm tới 4% so với lãi thông thường; đồng thời hợp tác với các chủ đầu tư về nhà ở xã hội trên toàn quốc để tư vấn giải pháp tài chính phù hợp cho người vay.
Để gỡ khó đối với thị trường cho vay tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị: Các Bộ, ngành phối hợp thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người lao động có thu nhập thấp. NHNN cần xem xét cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số công ty tài chính tiêu dùng hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả, qua đó tạo điều kiện giảm lãi suất vay cho khách hàng…
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của NHNN về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng; đồng thời yêu cầu NHNN khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn TCTD thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát thực hiện chính sách, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, việc xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng được kỳ vọng là một trong những giải pháp để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo cơ hội việc làm cho lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay./.