Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp khắc phục tình trạng tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm. NHNN liên tục hối thúc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng. Nhiều nhà băng “tung” các gói vay ưu đãi. Nhân viên ngân hàng đến tận DN để mời chào vay vốn. Chưa bao giờ trọng trách đẩy vốn ra nền kinh tế lại “nóng bỏng” và cấp bách như thời điểm này…
Bài 2: “Hiến kế” đẩy vốn ra nền kinh tế
Doanh nghiệp vẫn ngóng giảm lãi suất
Như DN đã phản ánh, lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao, nhất là lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Đó là chưa kể, nhiều khi làm dự án, DN còn bị nợ đọng vốn, tắc nghẽn dòng tiền. Khi DN phải cân nhắc nhiều về dòng tiền và lãi suất, họ sẽ giảm nhịp đầu tư lại, nhu cầu vay vốn vì thế cũng giảm. Do đó, để tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vay vốn, các DN đều bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.
Đại diện cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị, để tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng, các ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề lãi suất cần được nhìn thực chất, toàn diện hơn. Nếu bây giờ, chúng ta cho rằng chỉ vì lãi suất cao mà các DN không vay thì có lẽ đó là cách nhìn còn thiếu sót. Vấn đề ở đây không phải chỉ có lãi suất tạo ra chi phí cao khiến các DN không vay mà thật sự là rủi ro của nền kinh tế đang có xu hướng tăng lên. Xuất khẩu, đơn đặt hàng và tổng cầu giảm. Ngay ở trong nước, nhìn vào khu đất vàng Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy, rất nhiều cửa tiệm đóng cửa. “Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là các rủi ro của nền kinh tế. Phải thấy được điều đó thì chúng ta mới tìm ra được giải pháp, chứ nếu đơn thuần chỉ nhìn vào lãi suất, thanh khoản ngân hàng và tình trạng đói vốn của các DN thì rất khó để giải quyết triệt để vấn đề” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Có nên nới lỏng các điều kiện cho vay?
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đặt vấn đề về nới lỏng cơ chế và điều kiện cho vay với DN. Để làm được điều này, phải có một văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, NHNN, nếu không sẽ rất khó.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, không thể hạ chuẩn cho vay vào thời điểm này vì điều đó sẽ gây rủi ro cho cả DN và ngân hàng.
Ngoài việc vốn bị đọng tại các tài sản như bất động sản, tín dụng giảm còn do khả năng hấp thụ vốn của DN kém, ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay để giảm rủi ro nợ xấu, vay tiêu dùng giảm do thu nhập của người dân không tăng kịp tốc độ của giá cả và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Do đó, cần tìm hướng thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu để giúp hoạt động sản xuất phục hồi. Khi đó, kết hợp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng, DN sẽ dễ tiếp cận tín dụng hơn. Đây là giải pháp đảm bảo sự phát triển an toàn cho cả DN và ngân hàng.
Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định: Điều này là hoàn toàn không thể bởi nếu các ngân hàng hạ chuẩn cho vay thì nợ xấu sẽ phát sinh, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng mất vốn, rất nguy hiểm cho các ngân hàng. Chỉ cần vài khách hàng lớn không trả được nợ là ngân hàng sẽ chịu một tác động rất mạnh vào vốn chủ sở hữu. Nếu ngân hàng không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn chủ sở hữu thì họ có thể sẽ phải chịu các biện pháp “mạnh tay” của NHNN.
Các ngân hàng cho vay trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Việc hạ chuẩn tín dụng có nghĩa rằng họ sẽ trung hòa những nguyên tắc về quản lý rủi ro, điều đó gây thiệt hại cho chính họ, đi ngược lại nguyên tắc, thông lệ quốc tế của hoạt động ngân hàng. Từ lập luận trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phải có một giải pháp khác chứ không thể nào chỉ chờ đợi vào các ngân hàng.
Phát huy vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Để giải quyết vấn đề cho vay của các DN, trong khi rủi ro của nền kinh tế tăng lên, chỉ có một cách là Chính phủ ra tay “đỡ” các DN. Ở thời điểm hiện nay, chỉ Quỹ Bảo lãnh tín dụng là có thể thực hiện được việc này”. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Trong quá khứ, đã có rất nhiều những chuyện tiêu cực về Quỹ Bảo lãnh tín dụng và hầu như mô hình này không thành công. Thực tế, Việt Nam đã có Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho Quỹ này tại các địa phương hoạt động. Tuy nhiên, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương có quy mô còn rất nhỏ và hoạt động chưa hiệu quả.
NHNN có lẽ nên thúc đẩy các ngân hàng tiến tới hình thức cho vay tín chấp, bên cạnh cho vay thế chấp. Tất nhiên là tín chấp cho những DN có tình hình tài chính tốt. Ngay cả DN có tình hình tài chính chưa ổn định, ngân hàng vẫn có thể xem xét, cân nhắc cho vay nếu có cơ chế kiểm soát được dòng tiền. Các ngân hàng cần ngồi lại với NHNN để thảo luận, đưa ra những mô hình cho vay tín chấp phù hợp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần có Quỹ Bảo lãnh tín dụng mang tầm cỡ quốc gia, có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh những tiêu cực và những điều kiện dễ dàng đối với các DN được bảo lãnh. “Chỉ bằng cách này thì các ngân hàng mới mạnh tay cho vay” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đồng thời khuyến nghị: Cần có một quy chế riêng cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Các điều kiện được bảo lãnh phải nhẹ nhàng hơn và nếu DN nào không trả được nợ cho ngân hàng mà Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải đứng ra bồi thường thì phải xem đó là chi phí cho quốc gia, chi phí để trợ giúp DN. Còn Quỹ bảo lãnh mà lại có những tiêu chí bảo lãnh như điều kiện vay vốn ngân hàng hiện nay thì khó có thể bảo lãnh cho DN.
Trong khi một số vướng mắc từ cơ chế và điều kiện cho vay chưa được tháo gỡ, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa cùng một loạt quỹ khác phải phát huy vai trò bảo lãnh DN, DN được bảo lãnh thì mới có thể vay vốn ngân hàng./.