Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập: Bài 2: Không để vì tự chủ dẫn đến thiếu dịch vụ công thiết yếu

TS. LÊ ĐÌNH THĂNG - Kiểm toán nhà nước | 01/12/2022 13:59

(BKTO) - Những vướng mắc, bất cập về cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý tài chính đặt ra yêu cầu phải thực hiện một số giải pháp nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị dịch vụ sự nghiệp công.

14.jpg
Cần thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị dịch vụ sự nghiệp công. Ảnh sưu tầm

Thứ nhất, cần xác định rõ sứ mệnh của đơn vị sự nghiệp công lập, đó là đơn vị giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ công theo hướng những hàng hóa, dịch vụ mà lĩnh vực tư nhân không cung cấp hoặc không đủ khả năng cung cấp; đảm bảo an sinh xã hội; phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước để có chính sách quản lý phù hợp.

Thứ hai, đổi mới tư duy về cơ chế tự chủ tài chính trong quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng tính tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công nhưng không có nghĩa là ngân sách nhà nước không hỗ trợ các đơn vị này. Mặt khác, một số hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị ngoài nhà nước có khả năng cung cấp với chất lượng cao thì tạo cơ chế cho tư nhân tham gia. Nhà nước xây dựng cơ chế để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.

Không để vì tự chủ, tự quyết định dẫn đến thiếu dịch vụ công thiết yếu, không đảm bảo chất lượng cung cấp cho người dân, nhất là dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục tại miền núi, biên giới, hải đảo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; không để vì áp lực tự chủ, tự quyết định mà để tình trạng lạm thu, thu vượt quy định, đẩy giá dịch vụ lên cao mà không có sự điều tiết, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân, đặc biệt là người nghèo, không có điều kiện tài chính.

Đổi mới tư duy không chỉ là thay đổi lớn trong quan điểm, chủ trương, đường lối, thể chế chính sách mà còn là sự đổi mới trong nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi chính sách. Đổi mới tư duy về cơ chế tự chủ sẽ kéo theo những thay đổi căn bản trong thiết kế chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công và trong huy động, phân bổ nguồn lực.

Thứ ba, luôn xác định đơn vị sự nghiệp công giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ thiết yếu và thực hiện chính sách xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân, tổ chức với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng cường đầu tư hằng năm cho việc xây dựng cơ sở vật chất đối với các hoạt động sự nghiệp công cơ bản, cơ cấu lại chi thường xuyên theo hướng đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Thứ tư, cần nghiên cứu, ban hành Luật đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất, đồng bộ về đơn vị sự nghiệp công, đảm bảo tính hiệu lực trong thực hiện, vận hành chính sách, đạt mục tiêu theo đường lối, chủ trương mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ đối với lĩnh vực quản lý nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ quy định thống nhất. Tiến tới ban hành Luật về cung ứng dịch vụ công, trong đó định hình sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và Nhà nước tham gia theo hướng những lĩnh vực mà tư nhân không hoặc không thể tham gia thì Nhà nước phải đóng vai trò cung cấp.

Thứ năm, ban hành quy hoạch tổng thể về mạng lưới cơ sở đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo thống nhất trong cả nước, có liên kết vùng, địa phương, tránh phân tán, chồng chéo nhiệm vụ.

Thứ sáu, đổi mới phương thức quản lý, cơ chế phân bổ cho đơn vị sự nghiệp công. Nhà nước cần xác định cụ thể dịch vụ công thuộc trách nhiệm nhà nước đảm bảo nguồn lực để đầu tư, duy trì cung ứng dịch vụ và dịch vụ công thực hiện xã hội hóa trong từng lĩnh vực. Ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng cho các dịch vụ không thể hoặc chưa thể xã hội hóa. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành danh mục cụ thể các dịch vụ công theo từng lĩnh vực; về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thông qua hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật.

Cần nghiên cứu, thay đổi cách đầu tư vào các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng chuyển từ việc hỗ trợ ngân sách nhà nước theo mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập sang ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công.

Thứ bảy, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công của Bộ, cơ quan ngang Bộ để có mô hình tổ chức phù hợp, đảm bảo khách quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công theo lĩnh vực, ngành, không theo đơn vị hành chính.

Hoàn thiện thể chế về cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật, làm cơ sở đặt hàng dịch vụ công và đẩy nhanh lộ trình tính giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ tám, tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hiệu quả hoạt động, chất lượng, sản phẩm đầu ra.

Chú trọng đánh giá hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công trên cơ sở yếu tố đầu ra, tiến độ, chất lượng cung ứng dịch vụ công và trách nhiệm xã hội của đơn vị sự nghiệp công nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tăng cường kiểm soát quyền lực của người quản lý đơn vị sự nghiệp công lập để tránh việc lạm dụng quyền lực hoặc thực hiện sai lệch sứ mệnh của đơn vị sự nghiệp công./.

Cùng chuyên mục
Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập: Bài 2: Không để vì tự chủ dẫn đến thiếu dịch vụ công thiết yếu