Nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu cạn kiệt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong những năm qua, ngành thủy sản đã ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ cả về sản lượng, chất lượng lẫn con số xuất khẩu để vươn lên trở thành là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Trong giai đoạn 2010-2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng 4-5%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình khoảng 6,1%/năm.
Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới (đứng sau Trung Quốc và Na Uy).
“Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, mục tiêu bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng nội địa do tình trạng khai thác quá mức cho phép.
Là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, những năm qua nguồn lợi thủy sản của tỉnh Bình Thuận đang có dấu hiệu cạn kiệt dần, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Nguyên nhân, theo Sở NN&PTNT tỉnh là do khai thác quá mức trong thời gian dài, sự suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, rừng ngập mặn, tảo biển… bị chết). Ngoài ra, nhiều loài thủy sản bị đánh bắt vào mùa chúng đẻ trứng, trứng nở ra con non nên tận diệt các thế hệ thủy sản mới.
Còn theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp, vẫn còn hiện tượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ với ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khai thác không theo mùa vụ; tổn thất sau thu hoạch khai thác còn cao, trang thiết bị an toàn tàu cá chưa đảm bảo; trữ lượng thủy sản nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái suy giảm…
Ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Liên quan đến vấn đề bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, khi đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực tài nguyên, môi trường ngày 4/6.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Tuy nhiên, để vận hành được điều này thì còn liên quan tới một số vấn đề cần được tháo gỡ. Trước hết là về nguồn lực và định chế về tổ chức bộ máy. "Trong bối cảnh cả nước thực hiện nghị quyết của Trung ương về vấn đề tinh giản các đơn vị sự nghiệp và bản thân tổ chức bộ máy chi cục thủy sản ở địa phương cũng không đủ người để bảo tồn không gian biển” - Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, việc bảo tồn tài nguyên biển, đặc biệt là nguồn thủy sản phải gắn với việc tạo ra được sinh kế cho những người xung quanh vùng bảo tồn hoặc trong vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bởi nếu không “chúng ta sẽ không thể thành công”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.
Đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch đặt mục tiêu, 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Đối với khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc.
Cho rằng phát triển kinh tế biển nói chung, thủy sản nói riêng là ngành kinh tế liên ngành, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan trong việc phối hợp bảo tồn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, chúng ta đang xem xét quy hoạch không gian biển quốc gia, từ đó gắn với quy hoạch các ngành rồi quy hoạch 28 địa phương có biển để có cơ sở quản lý, khai thác, bảo vệ hiệu quả nguồn lực từ biển, trong đó có thủy sản.
“Chúng ta thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm khắc việc quy hoạch và trong các dự án phải đánh giá tác động môi trường, tức là vừa phát triển kinh tế mạnh về biển, giàu về biển nhưng muốn bền vững thì phải gắn với bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, biển là thể thống nhất, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, chúng ta cần ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, không khai thác tận diệt. Thời gian qua, Trung ương đã có nhiều văn bản, chỉ đạo giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định.
Về vấn đề này, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định.
“Quy hoạch thủy sản đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển” - Bộ trưởng nêu rõ.