Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn bứt phá, hướng tới những mục tiêu, tham vọng trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao đến năm 2045. Đóng vai trò không thể thay thế trong cơ cấu nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển chính, là điểm tựa cho nền kinh tế khơi thông, đạt tới thành quả tương xứng với tiềm năng.
Để “giữ lửa” cho khu vực kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2017-2023, Quốc hội đã ban hành hơn 100 dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó có những bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dẫu vậy, trước bối cảnh thế giới chuyển biến khó lường, môi trường kinh doanh bất ổn sau thời kỳ khủng hoảng, các doanh nghiệp tư nhân được yêu cầu tận dụng, vận dụng tiềm năng của bản thân bên cạnh sự thay đổi từ chính sách.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Văn Thinh - Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Deloitte Việt Nam luôn muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề quản trị và đã triển khai nhiều hoạt động, hội thảo để chia sẻ về chiến lược kinh doanh, đổi mới hay văn hóa doanh nghiệp. Với mong muốn tiếp tục cập nhật những thông tin hữu ích cho công đồng doanh nghiệp tư nhân, năm nay, lễ vinh danh Doanh nghiệp quản trị tốt nhất Việt Nam được đổi mới thông qua hình thức tọa đàm, đi sâu vào hai khía cạnh đang được quan tâm trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân là tiếp cận vốn và quản trị nguồn nhân lực.
Được yêu cầu không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, bứt phá để trở thành một tổ chức giàu mạnh, vững bền, các doanh nghiệp và ban lãnh đạo đang trong guồng quay nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, các vấn đề về nguồn lực, đặc biệt là câu chuyện tiếp cận vốn, và nhân lực được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Tập trung vào hai yếu tố thiết yếu của doanh nghiệp là nguồn vốn và nhân lực, buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện ban lãnh đạo Deloitte Việt Nam, Deloitte Private, các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành tiêu dùng, bán lẻ, thương mại điện tử, logistics... cùng các chuyên gia trong lĩnh vực. Với hai phiên tọa đàm xoay quanh chủ đề “Tiếp cận vốn từ nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu tư” và “Nhân lực là tài nguyên thiết yếu của các công ty được quản trị tốt”, các diễn giả đã mang đến những đánh giá, phân tích giá trị về những thách thức, xu hướng và cơ hội đặt ra đối với doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Tại hai phiên tọa đàm, đại diện của 4 doanh nghiệp được vinh danh năm 2024: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Bánh kẹo Phạm Nguyên; Công ty TNHH OnPoint; Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thực phẩm Hoa Sen đều khẳng định việc cam kết bền bỉ với thực tiễn vận hành doanh nghiệp, phương pháp quản trị tốt là chìa khóa giúp tổ chức nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo nên sức hút với các nhà đầu tư hay với ứng viên, nhân viên của chính tổ chức mình.
Để được vinh danh Doanh nghiệp quản trị tốt nhất Việt Nam, các doanh nghiệp đạt được những thành công đặc biệt đã trải qua quá trình đánh giá khắt khe dựa trên Khung đánh giá được xây dựng theo chuẩn mực đánh giá của Deloitte, bao gồm 4 tiêu chí: Chiến lược kinh doanh; văn hóa doanh nghiệp và cam kết; năng lực cạnh tranh và sự đổi mới; quản trị công ty và tài chính.
Năm nay, biểu tượng màu tròn xanh như những lớp sóng được gọi là “Best Managed Companies Wave”, thể hiện cho sự thay đổi, đổi mới và tiến bộ của Chương trình trên phạm vi toàn cầu. Những lớp sóng Best Managed di chuyển đồng đều, đại diện cho động lực được thúc đẩy bởi tinh thần đồng đội và sự hợp tác. Bộ nhận diện mới cũng thể hiện nguyên tắc của Chương trình Doanh nghiệp quản trị tốt nhất: là chất xúc tác cho sự phát triển, là tia lửa nhỏ để thắp sáng các mối quan hệ. Việc đổi mới trong bộ nhận diện cũng như cách thức tổ chức chương trình năm nay cho thấy cho sự phát triển liên tục của chương trình và cộng đồng toàn cầu.
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, Lãnh đạo chương trình Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất Việt Nam.