Gợi mở ý tưởng khởi nghiệp cho nữ Vận động viên sau khi dừng thi đấu

(BKTO) - Nhằm hỗ trợ nữ vận động viên (VĐV) có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Chính phủ, vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục thể thao (TDTT), Học viện SVF Academy tổ chức Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV sau khi dừng thi đấu chuyên nghiệp.

khoi-nghiep.png
Toàn cảnh Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự cho nữ VĐV sau khi dừng thi đấu chuyên nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, hằng năm, Việt Nam có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu.

Số liệu của Cục TDTT công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến "Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho VĐV thể thao" cuối năm 2020 cho biết, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Như vậy, ước tính có khoảng 60 - 70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Trước tình hình đó, Hội LHPN Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông với mong muốn được đồng hành cùng các nữ VĐV trong quá trình chuẩn bị cho tương lai thông qua việc gợi mở ý tưởng cũng như cung cấp kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp.

Tại Chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam gợi mở: Các nữ VĐV có lợi thế hơn nhiều phụ nữ khác là được đi thi đấu cả ở trong và ngoài nước, đó chính là cơ hội để các nữ VĐV quan sát, học hỏi và tìm kiếm ý tưởng, kinh nghiệm kinh doanh.

“Mong rằng, các nữ VĐV sẽ tiếp tục nỗ lực luyện tập, thi đấu thật tốt, giành thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, mang lại màu cờ sắc áo cho Tổ quốc. Hơn thế nữa, các nữ VĐV hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Với tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh, năng động, nghị lực, ý chí và kỷ luật cao được hun đúc từ tập luyện, tôi tin rằng các chị em sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp tục phát triển ngành nghề, công việc mà bản thân lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu" - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Tại Chương trình, Học viện SVF Academy đã cung cấp cho các nữ VĐV một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp nói chung và kiến thức liên quan đến khởi nghiệp lĩnh vực thời trang nói riêng. Qua đó, nữ VĐV có cái nhìn tổng quan, tiếp cận những ý tưởng khởi nghiệp, tránh được những rủi ro, vấp ngã khi khởi nghiệp../.

Qua 5 năm, Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, đã có hơn 5.000 dự án/ý tưởng dự thi cấp Trung ương, trong đó, 147 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; tổng trị giá hỗ trợ gần 35 tỷ đồng. Hội LHPN Việt Nam cũng đã tổ chức cung cấp kiến thức, thông tin và hỗ trợ ngày càng đa dạng đối tượng phụ nữ khởi nghiệp (nữ vận động viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, nữ phạm nhân đang chấp hành án…).

Cùng chuyên mục
Gợi mở ý tưởng khởi nghiệp cho nữ Vận động viên sau khi dừng thi đấu