Góp phần thúc đẩy hợp tác, kết nối liên vùng

(BKTO) - Mới đây, sự kiện thông xe cầu Bến Rừng đã một lần nữa khẳng định hướng đi chiến lược của hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng trong việc tạo thêm xung lực phát triển kinh tế-xã hội trong vùng Ðồng bằng sông Hồng. Ðây cũng là công trình hành lang đường bộ thứ ba nối liền hai địa phương giáp ranh, nắm giữ vai trò là hai đỉnh của tam giác kinh tế phía bắc, mang ý nghĩa hiện thực hóa chương trình hợp tác, kết nối liên vùng cùng thúc đẩy phát triển bền vững.

297-hp.jpg
Cầu Bến Rừng kết nối Quảng Ninh-Hải Phòng tạo thêm xung lực cho phát triển kinh tế-xã hội của hai địa phương.

Cầu Bến Rừng hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ nâng cao năng lực phục vụ về giao thông vận tải, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân giữa huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên nói riêng và hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng nói chung; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan-kiến trúc công trình hiện đại, giàu bản sắc, thiết thực phục vụ cho phát triển du lịch hai địa phương...

Ðể tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thông, hai địa phương đều thống nhất chủ trương cân đối ngân sách, phối hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị triển khai nhiều công trình giao thông mới, mang tính liên thông, đồng bộ, tổng thể. Cùng với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, cuối năm 2018, Quảng Ninh khánh thành đưa cao tốc Hạ Long-Hải Phòng vào khai thác và nay là công trình cầu Bến Rừng.

Ðây là những hành lang giao thông đường bộ quan trọng, động lực đón đầu cơ hội phát triển mới khi phía tây của Quảng Ninh đang được xác định là trung tâm chuyển dịch kinh tế của các ngành công nghiệp công nghệ cao, nơi có thành phố Uông Bí và thị xã Ðông Triều, thị xã Quảng Yên được định vị là cực tăng trưởng mới của tỉnh. Bên kia bờ sông Ðá Bạch lại là huyện Thủy Nguyên đang trong lộ trình trở thành thành phố vào năm 2025, là trung tâm hành chính, chính trị mới của Hải Phòng.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng luôn ở trong tốp đầu của cả nước, tăng trưởng GRDP bình quân 10 năm liền đạt hơn 10%/năm và thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Ðặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chủ động linh hoạt vận dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hoàn thành đầu tư xây dựng 176 km đường bộ cao tốc, kết nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh theo quy hoạch.

Với nhiều điểm tương đồng, sở hữu tiềm năng, lợi thế, nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương trong mục tiêu xây dựng và phát triển tổng thể kinh tế-xã hội vùng Ðồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từ năm 2009, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã có nhiều chương trình hợp tác, đồng hành, hỗ trợ nhau trong chiến lược đổi mới cùng phát triển.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh Hoàng Quang Hải cho biết: “Các dự án hạ tầng giao thông đang được tỉnh đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực của tỉnh, như Quảng Yên, Vân Ðồn, Móng Cái, Uông Bí, Ðông Triều. Nhiều tuyến giao thông gắn kết phát triển giữa vùng động lực với vùng khó khăn cũng như liên thông tổng thể với các tỉnh, thành phố trong vùng Ðồng bằng sông Hồng, tạo ra những giá trị, động lực phát triển mới của tỉnh và khu vực”.

Ðến nay, hai địa phương đã có nhiều thành tựu chung trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và hợp tác du lịch, khi cùng tham gia trục cao tốc phía đông với mục tiêu kiến tạo một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế có quy mô lớn, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng. Trong đó, điểm nhấn là thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối Hải Phòng-Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của hai địa phương đã tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp bảo đảm nhanh, gọn, thông thoáng để khai thác hiệu quả cảng biển Quảng Ninh gắn kết với cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng xuất nhập khẩu thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Chính điều này đã giúp các khu công nghiệp của hai địa phương đẩy mạnh kết nối nhanh nhất tới cảng biển, cửa khẩu. Quảng Ninh trở thành vùng hậu cần logistics bền vững cho công nghiệp cảng biển Hải Phòng vốn đang rất chật hẹp, tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất, đáp ứng nhiều sản phẩm kết hợp. Ðây là điểm cộng, động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư, để hình thành chuỗi sản phẩm kinh tế có chất lượng cao của cả vùng.

Trong giao lưu văn hóa và hợp tác du lịch, nhiều năm qua, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có sự liên kết chặt chẽ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm thông qua việc hình thành các tuyến du lịch, tour liên kết, hợp tác; tăng tính hấp dẫn cho du lịch, đồng hành cùng khai thác và cùng bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Theo kế hoạch, cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng có thêm hành lang giao thông thứ tư khi cầu Lại Xuân nối thị xã Ðông Triều với huyện Thủy Nguyên có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng sẽ được đưa vào khai thác.

Quảng Ninh đang đẩy mạnh triển khai dự án đường ven sông tốc độ cao kết nối từ cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Ðông Triều và sẽ đấu nối vào các hành lang giao thông, để cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn, tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, cung ứng nguồn nhân lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Sự hợp tác liên thông, tổng thể giữa 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng với sự thống nhất, đồng tình ủng hộ cao từ Trung ương đến nhân dân đã nhanh chóng đem lại nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội khi cả hai luôn là những địa phương dẫn đầu về tăng trưởng, thu hút đầu tư, cải cách hành chính của cả vùng./.

Cùng chuyên mục
Góp phần thúc đẩy hợp tác, kết nối liên vùng