Hà Nội: Chủ động triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong một số loại hình mới

(BKTO) - Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của Thành phố Hà Nội tiếp tục đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong một số loại hình mới như giải phóng mặt bằng, thuế, quản lý trật tự xây dựng, trường ngoài công lập và khối chợ...

123.png
UBND phường Dịch Vọng tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân và trao giấy khen các hộ gia đình có nhiều thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022. Ảnh: hanoi.gov.vn

Triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ các nội dung về thực hiện Quy chế dân chủ

Theo Báo cáo kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở của Thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế ở các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện QCDC theo chương trình, kế hoạch đề ra gắn với chủ đề công tác năm của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Các nội dung, nhiệm vụ đều đã được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, toàn thành phố có 5.393 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư và 579/579 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân với 769.274 đại biểu tham dự, 29.528 ý kiến đóng góp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đã phối hợp với các tổ dân vận và chính quyền đồng cấp hòa giải thành công 1.473/1749 vụ việc, đạt 84,3%. Các địa phương đã quan tâm thực hiện công tác tiếp công dân.

Trong đó, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 2.466 cuộc giám sát, phát hiện 296 vụ vi phạm, đã giải quyết 278 vụ việc (93,9%). Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 2.038 công trình, dự án, phát hiện 89 vụ vi phạm. 1.745 vụ việc về quản lý trật tự xây dựng, 528 vụ về quản lý đất đai cũng đã được phối hợp giám sát...

Việc thực hiện QCDC gắn với công tác cải cách hành chính đã được các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập quan tâm. Cùng với đó, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong loại hình mới như giải phóng mặt bằng, thuế, quản lý trật tự xây dựng, trường ngoài công lập và khối chợ tiếp tục đạt kết quả đáng ghi nhận. Một số địa phương còn chủ động triển khai thêm việc thực hiện QCDC trong một số loại hình mới.

Các ý kiến tại hội nghị đã làm rõ thêm các nội dung báo cáo, nêu bài học kinh nghiệm và đề xuất một số vấn đề trọng tâm, nổi cộm cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới như: Nâng cao chất lượng thực hiện QCDC trong cơ quan nhà nước, thực hiện nghiêm quy định đối thoại của người đứng đầu, công tác phối hợp trong thực thi công vụ...

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo không chỉ thực hiện đúng quy chế, chương trình, kế hoạch công tác đề ra mà còn chủ động kiểm tra việc thực hiện QCDC tại 3 quận, 3 huyện và 9 xã, phường, thị trấn; qua kiểm tra đã tham mưu với Thành phố một số vấn đề và kiến nghị với địa phương khắc phục hạn chế tồn tại.

Việc thực hiện QCDC trong các loại hình, lĩnh vực đã đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; tiêu biểu như giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đến nay đã đạt hơn 81%, vượt kế hoạch và cam kết tiến độ.

Tuy nhiên, nhận thức về thực hiện QCDC của người đứng đầu ở một số cơ quan còn chưa đầy đủ; thường coi đây là nhiệm vụ của công đoàn, trong khi theo quy định, người đứng đầu phải tổ chức thực hiện QCDC, công đoàn giám sát việc thực hiện đó.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại và thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tuyên truyền, quán triệt, triển khai, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thành phố thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định, thông tư liên quan có hiệu lực từ tháng 7/2023.

Ban Chỉ đạo các cấp và các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung, quan tâm chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội là làm đến đâu chắc đến đó, làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Đồng thời, tiếp tục rà soát triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo trong năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị, tạo chuyển biến rõ rệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và phục vụ nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hơn nữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, gắn với kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận đối thoại; củng cố mạnh mẽ hơn nữa niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, dự án của Thành phố.

Liên đoàn Lao động Thành phố bám sát tình hình, nhất là những doanh nghiệp khó khăn, giữ ổn định mối quan hệ lao động, phấn đấu để không xảy ra đình công, lãn công./.

Cùng chuyên mục
Hà Nội: Chủ động triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong một số loại hình mới