Hà Nội: Chuyển đổi số - chuyển đổi tư duy và hành động

(BKTO) - Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), lấy người dân làm trung tâm, đột phá để phát triển.

2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có căn cước công dân (CCCD), được cập nhật trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã Thành phố thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử. Các nhóm dữ liệu của hội, đoàn thể; an sinh xã hội đang được Thành phố triển khai và tiếp tục mở rộng để thực hiện xây dựng một hệ thống CSDL chung toàn Thành phố; cập nhật với CSDL quốc gia về dân cư để từ đó khai thác, sử dụng hiệu quả.

Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tham mưu, báo cáo trình HĐND Thành phố xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID; ngân sách Thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31/12/2024.

Số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: Điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp nộp qua VNeID…

1(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng phòng họp thông minh của Thành phố Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hà Nội cũng đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện chính sách, triển khai các giải pháp đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử, giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung kết nối liên thông, chia sẻ thông tin với các ngành…

5 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hơn 2.500 tỷ đồng thuế từ các sàn thương mại điện tử. Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; Kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả khám chữa bệnh trước đó (khoảng 1,77 triệu dữ liệu sẵn sàng và tiếp tục cập nhật...).

Trong 21 ngày (từ 10/5 đến 31/5) số người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đạt 93,29%; tăng gấp đôi so với tỷ lệ trước đó (khoảng 45% và giữ bền vững qua các năm)...

Người dân trên địa bàn thuộc các trường hợp nhận hưởng trợ cấp an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp BHXH hoàn toàn thực hiện việc nhận qua tài khoản nhanh chóng, thuận tiện/không còn mất thời gian đến các điểm giao dịch hoặc trụ sở UBND cấp xã để được nhận chế độ - giảm thời gian đi lại và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhóm này (khoảng 51 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, tính đến ngày 20/6/2024 (sau 2 tháng triển khai), tổng số bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố là 64 điểm thuộc 9/30 quận, huyện - tăng 54 điểm và 7 quận, huyện so với thời điểm trước đó. Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 06/6/2024: Đã có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền là 1.768.291.053 nghìn đồng.

Sử dụng công nghệ để thay đổi nhận thức và hành động

Trên cơ sở tổng thể hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra, Hà Nội đã cơ bản đạt được các tiêu chí đặt ra: Giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công và các tiện ích xã hội; giảm nhân lực thực hiện; giảm TTHC; Tăng chất lượng phục vụ, công khai - minh bạch mức độ hài lòng.

Đặc biệt, những kết quả trên đã thay đổi thói quen trong việc thực hiện giao tiếp giữa người dân - doanh nghiệp với cơ quan hành chính: Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn thay đổi trong nhận thức từ việc đến với cơ quan hành chính “hành là chính” sang “cung cấp dịch vụ”, thay đổi từ việc “phải đến trực tiếp” bằng “sử dụng công nghệ” để giải quyết các yêu cầu.

UBND Thành phố đánh giá, với kết quả đạt được từ các hiệu quả quản lý thuế - quản lý giao thông đô thị - y tế - dịch vụ công công khai, minh bạch, từ đó đẩy lùi cũng như ngăn ngừa vi phạm trong các lĩnh vực như: Trốn thuế; lợi dụng chính sách trục lợi, bảo kê... Có thể coi đây là công cụ hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Lưu ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số; hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành một đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, đáng sống, tạo động lực phát triển, có hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, các hiệu quả của việc Thành phố Hà Nội thực hiện Đề án 06 đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất các bộ ngành, thành viên tổ công tác tiếp tục cùng với Thành phố Hà Nội trong triển khai Đề án 06 nói chung và 19 mô hình nói riêng; thường xuyên giao ban để kịp thời tháo gỡ công việc, những vướng mắc trong quá trình triển khai. Nghiên cứu những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện 19 nhiệm vụ như: Thu phí không dừng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, lựa chọn, xây dựng kế hoạch và có lộ trình chi tiết để tổ chức triển khai phù hợp với tình hình địa bàn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với 5 nhóm pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn dữ liệu, nguồn lực.

Đẩy mạnh chỉ đạo công tác số hóa tài liệu quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân gắn với những điều chỉnh quy trình nghiệp vụ ứng dụng dữ liệu điện tử, đơn giản hóa các TTHC. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo vấn đề này để người dân được hưởng những tiện ích của Đề án 06. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025: 100% dịch vụ công được thực hiện hoàn chỉnh, 100% người dân khi thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp được định danh xác thực điện tử không xuất trình hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; 50% các TTHC giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm.

Thượng tướng Lương Tam Quang đề nghị, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tiến độ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết TTHC; tập trung chỉ đạo 11 quận, huyện chưa hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch khẩn trương xây dựng lộ trình chi tiết để hoàn thành dứt điểm trong 6 tháng cuối năm.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hà Nội, UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đề án 06, mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả, lâu dài cho đất nước, người dân và doanh nghiệp, phù hợp với tình hình địa bàn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với 5 nhóm pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn dữ liệu, nguồn lực./.

Sáng 28/6, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn, gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối; Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID; Hệ thống Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet) sử dụng công nghệ hiện đại, trợ lý ảo AI tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đánh dấu bước tiên phong của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, tạo phong cách làm việc mới khoa học, hiệu quả, xây dựng Thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bao trùm và bền vững với quyết tâm xây dựng "Chính quyền số - Chính quyền phục vụ", "Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến", " Xã hội số - Xã hội niềm tin" với "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu", "Tư duy Thủ đô và hành động của Hà Nội".

Cùng chuyên mục
Hà Nội: Chuyển đổi số - chuyển đổi tư duy và hành động