Hà Nội phục hồi, phát triển kinh tế gắn với kiểm soát dịch Covid-19

(BKTO) - Trong tháng 10, TP. Hà Nội sẽ ban hành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.



                
   

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại sau 4 đợt giãn cách toàn Thành phố. Nguồn: TTXVN

   

Sáng 01/10, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng của năm 2021.

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn quý III ước giảm 7,02%. Trong đó, dịch vụ giảm 8,18%; công nghiệp và xây dựng giảm 6,76%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,39%; thuế sản phẩm giảm 2,56%. Do quý I và quý II tăng khá nên lũy kế 9 tháng vẫn duy trì tăng trưởng 1,28% - thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 3,35%.

Sản xuất, kinh doanh các tháng 7, 8, 9 trong hầu hết các lĩnh vực giảm so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 10,4%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 4,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì tăng 4,1%; khách du lịch quốc tế giảm 82,7%.

9 tháng năm 2021, số DN thành lập mới giảm 12%, số vốn đăng ký giảm 10%; DN thực hiện thủ tục giải thể tăng 22%; DN đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12%.

Bên cạnh chỉ tiêu giảm, 9 tháng qua, một số ngành, lĩnh vực đạt khá như: Tổng thu NSNN ước đạt 177.363 tỷ đồng, bằng 75,3% dự toán Trung ương giao (70,6% dự toán của Thành phố), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số sản xuất của 18/23 ngành chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng, trong đó một số linh vực tăng cao như sản xuất: Xe có động cơ tăng 16,8%, trang phục tăng 14%, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11%... Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố đã hỗ trợ trên 1,625 triệu lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 559,389 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 84 nghìn người có công và thân nhân với số tiền 1.562 tỷ đồng.

Hà Nội cũng đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh các cấp, đảm bảo khai giảng năm học mới trực tuyến trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh...

Hệ thống hạ tầng đô thị tiếp tục được duy trì, đảm bảo điện, nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Các lĩnh vực nội chính, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo... tiếp tục được quan tâm. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn và công tác truy vết các ca F0, tiếp nhận người cách ly, bảo quản vaccine Covid-19.

Đến ngày 29/9, toàn Thành phố giải ngân Kế hoạch vốn năm 2021 được 15.063 tỷ đồng, đạt 32,6% kế hoạch sau điều chỉnh, đạt 36% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, cấp Thành phố giải ngân đạt 28,8%, cấp huyện đạt 35,3%.

Về nhiệm vụ trong tâm tháng 10 và quý IV/2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất bảo đảm các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, phấn đấu quý IV tăng trưởng hơn 2,56%. Thành phố sẽ ban hành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.

Trong đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường...

Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch, đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các tổ công tác của Thành phố định kỳ họp giao ban xây dựng cơ bản hằng tháng để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn và thực hiện các dự án.

UBND Thành phố cũng yêu cầu mỗi chủ đầu tư cần chủ động có giải pháp để tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai kế hoạch đầu tư công./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Hà Nội phục hồi, phát triển kinh tế gắn với kiểm soát dịch Covid-19