Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc thành lập quận Gia Lâm

(BKTO) - Ngày 22/9, tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề), HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập quận Gia Lâm.

2(3).jpg
Quận Gia Lâm sau khi được thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64km2 và 16 phường trực thuộc. Ảnh: TL

Quận Gia Lâm sau khi được thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64km2 và quy mô dân số là hơn 300.000 người, có 16 phường trực thuộc. Đây là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hướng quốc lộ 5 và quốc lộ 1A.

Đồng thời, khu vực có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các tỉnh thành, các trung tâm kinh tế lớn như: quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên), quốc lộ 5B kết nối tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng....

Cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm cũng được chú trọng, tập trung xây dựng theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ, gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát huy vai trò, chức năng của đô thị trong mối liên hệ vùng và nội vùng.

Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế.... Đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự xây dựng, quy hoạch kiến trúc, kết cấu hạ tầng, các thiết chế xã hội... 

Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Gia Lâm nói riêng cũng như lợi ích của Thành phố Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội.

Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm.  Việc thành lập quận Gia Lâm được nhận định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; khai thác tối đa lợi thế kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của người dân.

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI đã thông qua các Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, bao gồm: 

Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố; Quyết nghị một số nội dung hỗ trợ đặc thù đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy tại quận Thanh Xuân ngày 12/9/2023;

Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố; các nội dung liên quan đến triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023; Đề án thành lập quận Gia Lâm và các nội dung quan trọng khác.

Cùng chuyên mục
Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc thành lập quận Gia Lâm