Bình Định: Tăng cường triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Việc tổ chức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đời sống xã hội nông thôn thay đổi rõ rệt.

ntm-binh-dinh.jpg
Diện mạo xã An Hòa (huyện An Lão) có nhiều đổi thay nhờ thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ảnh: TS

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Định có 87/113 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 77%; có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2023, tỉnh Bình Định phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn; xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh và xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân), 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn; các xã: Nhơn Khánh, Nhơn Tân, thị xã An Nhơn; xã Cát Trinh, huyện Phù Cát; xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước và xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn), 1 xã NTM kiểu mẫu (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) và 2 huyện đạt chuẩn NTM (Phù Mỹ, Tây Sơn).

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định đã chỉ đạo quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục xây dựng NTM “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; xác định xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành có liên quan chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện các tiêu chí theo lĩnh vực quản lý; nhất là các nội dung, tiêu chí chưa đạt chuẩn và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn NTM theo tiến độ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả xây dựng NTM tại các địa phương để tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát các tiêu chí xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn trước đáp ứng các tiêu chí giai đoạn 2021-2025...

Mới đây, khi đánh giá về vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc đảm bảo huy động và phân phối nguồn lực công, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, hoạt động kiểm toán trên các lĩnh vực góp phần xác định những bất cập, hạn chế trong hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị kịp thời chấn chỉnh những sai sót, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sự phối hợp giữa KTNN với tỉnh Bình Định trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của hai bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã hỗ trợ tỉnh Bình Định hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công.

“Trên cơ sở kiến nghị của KTNN, Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành rà soát các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, phê chuẩn dự toán và quyết toán, điều hành ngân sách địa phương hằng năm” - ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết thêm./.

Cùng chuyên mục
Bình Định: Tăng cường triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới