Hải Dương: Nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản chủ lực

(BKTO) - Hải Dương là địa phương có thế mạnh phát triển các loại nông sản quy mô lớn nhất nhì miền Bắc. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

ca-rot-hai-duong.jpg
Thu hoạch cà rốt tại Hải Dương

Nhiều tiềm năng phát triển

Hải Dương là tỉnh có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ, nông dân chăm chỉ, dày dặn kinh nghiệm trong quá trình canh tác. Nhờ thế mà nông sản của tỉnh đa dạng, phong phú về chủng loại và bảo đảm chất lượng, trong đó có nhiều nông sản là đặc sản, chủ lực có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh vải thiều là đặc sản nức tiếng thì Hải Dương còn có nhiều nông sản tiêu biểu như gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi, cà rốt, su hào, cải bắp, su lơ, dưa hấu, dưa lê, ổi, na, củ đậu, thanh long.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) tỉnh Hải Dương, nông nghiệp hiện chiếm 9,7% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, chăn nuôi – thủy sản chiếm 33%. Hiện, tổng đàn lợn 370.000 con; đàn gia cầm 15,5 triệu con; trâu, bò 22.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 143.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 12.000ha; sản lượng thủy sản nuôi trồng 99.000 tấn. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 của địa phương ước đạt 21.500 tỷ đồng.

Tỉnh Hải Dương luôn bám sát Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Tỉnh có chương trình khuyến nông hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bền vững, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn và tạo ra các vùng nông sản hàng hoá an toàn nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP cho tỉnh và đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.

Những năm qua, Hải Dương đã chủ động thực hiện các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho các nông sản đặc sản, chủ lực. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức và tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; đưa các đoàn đi khảo sát, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông... Công tác xúc tiến thương mại gắn liền với chuyển đổi số như đưa nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều gian hàng với các sản phẩm đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại hội chợ của nhiều địa phương. 

Để nâng cao giá trị của những nông sản đặc sản, chủ lực, tỉnh đã tập trung phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh ở các địa phương như: vùng vải thiều ở Thanh Hà, Chí Linh; ổi ở Thanh Hà, Ninh Giang; vùng su hào, cải bắp, súp lơ ở Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành... Cùng với đó là đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng được áp dụng theo quy trình GAP, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn OCOP. 

Ngoài vải thiều, Hải Dương hiện có các nông sản chủ lực như:

- Hành tỏi với diện tích 6.500 ha, trồng tập trung tại Kinh Môn, Nam Sách.
- Cà rốt với diện tích 1.500 ha, trồng chủ yếu tại Cẩm Giàng, Nam Sách, TP. Chí Linh.
- Su hào, cải bắp, súp lơ có diện tích 5.500 ha tập trung tại các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện và TP. Hải Dương.
- Dưa hấu, dưa lê diện tích 3.500 ha được trồng nhiều ở Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng.
- Củ đậu diện tích 605 ha chủ yếu ở Kim Thành.
- Ổi với diện tích 2.500 ha trồng chủ yếu ở Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn.
- Na với diện tích 1.100 ha và thanh long 480 ha đều trồng tập trung tại TP. Chí Linh, Kinh Môn...

Phát triển nông nghiệp hữu cơ nâng cao giá trị kinh tế

Theo thống kê, Hải Dương hiện có 10.000ha cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong đó, có hơn 600ha với hơn 60 cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…  Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ thực sự đã phát huy hiệu quả vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.

Trước đây người dân Hải Dương chủ yếu làm nông nghiệp truyền thống, chất lượng sản phẩm không cao, giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ hầu như không có. Đến nay, bà con nông dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tăng giá trị nông sản cả về chất và lượng. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, rau màu hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ được nhân rộng. Trong chăn nuôi, một số nông dân cũng tiếp cận phương thức sản xuất hữu cơ khi sử dụng thức ăn thảo dược cho vật nuôi.

Bên cạnh đó, Hải Dương luôn chú trọng phát triển thị trường truyền thống cả ở trong nước và xuất khẩu, khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. Nông sản của tỉnh đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống các siêu thị lớn như Metro, Hapro, BigC... Đồng thời có mặt ở các thị trường mới có tiềm năng như các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đối với việc xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống (Trung Quốc), vải thiều của Hải Dương đã có mặt tại một số thị trường mới là Mỹ, Úc, EU, Singapore, Malaysia, Canada... 

Với những lợi thế sẵn có, sự thay đổi trong quá trình sản xuất, canh tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, khẳng định thương hiệu của những nông sản đặc sản, chủ lực của Hải Dương trên thị trường trong và ngoài nước. Có thể kể đến như giá trị kinh tế từ cây hành ở Kinh Môn đạt hơn 300 triệu đồng/ha/vụ; cây cà rốt ở Đức Chính đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm... 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế cũng được tỉnh Hải Dương nhìn nhận và đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Hiện nay, đa số các mô hình hữu cơ ở Hải Dương đều có quy mô nhỏ và chủ yếu tự phát. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả bền vững của nông nghiệp hữu cơ, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với những chính sách hỗ trợ thiết thực thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đại diện Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; giúp các địa phương tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý tiên tiến, nhất là trong hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng công nghệ số. Giới thiệu các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác và đầu tư vào Hải Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên quan đến bảo quản, chế biến nông sản, xuất khẩu nông sản…

Ngoài ra, làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nông dân phải từ bỏ tập quán canh tác cũ, dần hình thành văn hóa nông nghiệp khi coi sản xuất sạch là kim chỉ nam. Trước yêu cầu mới trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đã có những động thái để hướng người dân quan tâm hơn tới sản xuất hữu cơ.

Đó là mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình điểm hay chủ động mời gọi doanh nghiệp bao tiêu nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ, phải tạo ra cú hích mạnh mẽ giúp nông dân coi nông nghiệp hữu cơ là giải pháp sống còn để bám trụ đến cùng.

Đồng thời phải xây dựng hành lang pháp lý cho nông sản hữu cơ nhằm bảo vệ các cá nhân, đơn vị sản xuất hữu cơ thực chất trước những sản phẩm hữu cơ "tự phong" ngày càng nhiều.

Cùng chuyên mục
Hải Dương: Nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản chủ lực