Liên tục tăng bậc về chỉ số cải cách hành chính
Cải cách hành chính luôn là một trong những “thước đo” để đánh giá sự thuận lợi, thông thoáng về môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương, cũng như là điều kiện quan trọng để thu hút các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, các địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính và tỉnh Hải Dương cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã và đang tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính. Tỉnh luôn chú trọng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động ở hệ thống “một cửa” của các cấp; rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính… Đơn cử, chỉ tính riêng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, năm 2022, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của một dự án so với hiện nay; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư như: đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, thuế, hải quan, cấp phép kinh doanh có điều kiện…
Ngoài ra, Hải Dương cũng ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 rõ (rõ về thủ tục; rõ về quy trình; rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan; rõ thời gian; rõ kết quả và chất lượng trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính)...
Với những nỗ lực đó, việc cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương đang chuyển biến rõ rệt và có những kết quả ngày một tích cực hơn. Thể hiện là, trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2018 đến năm 2021), Hải Dương luôn tăng bậc về chỉ số cải cách hành chính.
Cụ thể, đối với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018 Hải Dương xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố.
Đối với Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Hải Dương cũng luôn giữ vị trí ổn định thuộc nhóm những tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Cụ thể, năm 2018 Hải Dương xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Hải Dương phấn đấu từ 90% trở lên người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính
Theo Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số PAR INDEX của tỉnh giai đoạn 2021-2025 thuộc top từ 20 đến dưới 30 trong các địa phương của cả nước. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính đạt từ 90% trở lên; đến năm 2025 đạt từ 95% trở lên. 90% sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện được đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm đạt từ loại tốt trở lên.
Đối với việc cải cách thủ tục hành chính, tỉnh đặt mục tiêu 100% các thủ tục hành chính được công bố, công khai kịp thời, đúng quy định. Phấn đấu từ 95% - 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Hoàn thành số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đạt tỷ lệ tương đương (30%, 20%, 15%). Phấn đấu mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính đến khi đạt 100%.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đạt mục tiêu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Cung cấp 100% các thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công của tỉnh; tích hợp 80% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thủ tục hành chính thành công trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch...
Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Hải Dương xác định trước hết cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác cải cách hành chính. Người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về thực hiện cải cách hành chính trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ công chức, viên chức. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; trong đó chú trọng đưa kiến thức về cải cách hành chính, chính quyền điện tử, chính quyền số, kỹ năng số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan thực hiện cải cách hành chính.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đi liền với các chính sách động viên, khuyến khích cán bộ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế thay thế, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích./.