Hải Dương: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 13,4% trong 9 tháng năm 2024

(BKTO) - Từ đầu năm đến nay, thị trường trong nước và quốc tế có một số yếu tố thuận lợi, nên đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc những ngành chủ lực như may mặc, điện tử, thiết bị điện, bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ... tăng lên. Đây là động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

15.10-hai-duong.jpg
Ảnh minh họa: ST

Theo Cục Thống kê Hải Dương, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm cho một số đơn vị phải tạm ngừng hoạt động do hư hỏng nhà xưởng, kho nguyên liệu, tạm ngừng do sự cố mất điện, nhưng thiệt hại đến sản xuất không lớn.

Ước trong tháng 9/2024, sản xuất công nghiệp tương đương tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất than cốc, sản xuất thiết bị điện... là những điểm sáng góp phần vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

Ước tính quý III, sản xuất công nghiệp tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá cao 13,4%.

Một số ngành có tỷ trọng lớn, sản lượng sản xuất tăng cao, tác động nhiều đến mức tăng chỉ số chung của toàn ngành là: Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 11,8%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,6 điểm%; Ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ) tăng 13,2%, tác động làm chỉ số chung tăng 3,0 điểm%.

Nhóm ngành dệt, may mặc, giày dép tăng lần lượt là 28,6%; 13,2% và 9,0%, cùng tác động làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%.

Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đang có xu hướng phục hồi đồng thời, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tỉnh ký được đơn hàng đến hết năm, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2025. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng như dự án Tinh Lợi 3, Best Pacific, Quốc tế Ngân Tường cũng góp phần tăng sản lượng của ngành....

Ở chiều ngược lại, còn một số ngành công nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung như: Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói), giảm 7,3%, làm chỉ số chung giảm 0,2 điểm%. Các ngành khai khoáng, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị lần lượt giảm 0,3% và 0,9%...

Tại thời điểm 30/9/2024, tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm tình hình sử dụng lao động tăng 2,3% so với cùng kỳ...

Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh Hải Dương vừa trải qua sự tàn phá của cơn bão số 3, gây thiệt hại hết sức nặng nề. Kết quả này có được do những nỗ lực từ rất sớm của chính quyền địa phương, ngay từ đầu năm đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, hướng đến thực hiện thành công mục tiêu: Đến năm 2050 tỉnh Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học, công nghệ trở thành trục động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tỉnh đã tập trung phát triển khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái với trung tâm đổi mới sáng tạo, cùng các cụm công nghiệp với cơ sở hạ tầng hiện đại.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với ưu tiên hàng đầu về gia tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, tập trung vào ngành kỹ thuật và công nghệ thông tin; thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp. Đồng thời, quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống quản lý và cải cách hành chính... để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai dự án nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh./.

Cùng chuyên mục
Hải Dương: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 13,4% trong 9 tháng năm 2024