Hải Phòng: Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

(BKTO) - Với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, TP. Hải Phòng liên tục triển khai nhiều hoạt động phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi xanh, vì sự phát triển bền vững của Thành phố và các thế hệ tương lai.

31325-nam-cau-kien.jpg
KCN Nam Cầu Kiền - 1 trong số 5 KCN trên cả nước tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh theo mô hình sinh thái. Ảnh: ST

Chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc

Với vị thế là trung tâm kinh tế, công nghiệp và cảng biển hàng đầu của Việt Nam, năm 2024, các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) của TP. Hải Phòng đã thu hút được 4,35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng gần 1,3 lần so với năm 2023. Kết quả này góp phần quan trọng, giúp Thành phố tăng trưởng GRDP đạt tới hơn 11% trong năm 2024, xếp thứ 3 cả nước. Hải Phòng trở thành địa phương duy nhất của cả nước duy trì mức tăng trưởng 10 năm liên tục hai con số, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hay siêu bão Yagi.

Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, TP. Hải Phòng đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt với tổng vốn 252 triệu USD, đạt 7% kế hoạch năm, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước ước đạt 79.627 tỷ đồng (tương đương 3,4 tỷ USD).

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các KCN đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên, đòi hỏi cần sớm có bài toán giải quyết thực trạng này một cách nhanh chóng.

Theo ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Ban quản lý KKT Hải Phòng, hiện, các KCN, KKT của TP. Hải Phòng đã thu hút được hơn 840 dự án với tổng vốn đầu tư gần 48 tỷ USD. Điều này kéo theo lượng điện tiêu thụ hằng năm lên tới 2,76 tỷ kWh và tăng thêm 15% mỗi năm, lượng nước thải lên tới 8 triệu khối/năm, rác thải 1,5 triệu tấn/năm, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn và nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường khác...

Đánh giá cao những đóng góp to lớn của các KCN vào sự phát triển kinh tế của Thành phố, nhưng ông Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng - cũng cho biết, sự phát triển này đặt ra những thách thức về môi trường cần phải giải quyết một cách nghiêm túc, căn cơ, bài bản. Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, một mệnh lệnh của thời đại và là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Cần nhiều quyết sách đột phá

Nhận thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng, triển khai các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

31325-hai-phong-kcn.jpg
Cần nhiều biện pháp mang tính đột phá, sáng tạo và quyết liệt hơn để Hải Phòng cùng cả nước thực hiện giảm phát thải ròng về 0. Ảnh: ST

Theo đó, các KCN xanh, thân thiện với môi trường liên tục được Thành phố triển khai xây dựng, tiêu biểu như KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền - 2 trong số 5 KCN trên cả nước tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh theo mô hình sinh thái. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong các KCN cũng đang tích cực chuyển đổi xanh bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên vật liệu tái chế và hướng tới các mục tiêu môi trường - xã hội - quản trị (ESG), thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và người lao động.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu cùng cả nước giảm phát thải ròng về 0, các chuyên gia cho rằng, TP. Hải Phòng cũng như các doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp mang tính đột phá, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính - khuyến nghị, TP. Hải Phòng cần lồng ghép định hướng phát triển bền vững các KCN (trong đó có mô hình KCN sinh thái), phát triển hạ tầng xanh vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN; thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh, chuẩn bị hạ tầng xanh tại các KCN.

Thành phố cũng cần thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp công nghệ…

"Thành phố luôn nhất quán quan điểm: Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, vì sự phát triển bền vững của Thành phố và các thế hệ tương lai".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến

Hiến kế cùng Thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Ko Tae Yeon cho rằng, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG ở quy mô lớn hơn là điều rất cần thiết cho sự phát triển kinh doanh hiện nay. Doanh nghiệp hạ tầng cũng nên tham gia vào việc quản lý thông qua khung ESG, áp dụng với quy mô trong cùng một KCN. Bởi việc hệ thống qua các tiêu chuẩn quản lý sẽ giúp cho sự phát triển chung của toàn khu trong chiến lược dài hạn.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, Trưởng ban Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết, thời gian tới, TP. Hải Phòng sẽ tập trung xây dựng mới các KCN theo mô hình chuyên ngành như sản xuất chất bán dẫn, chip, cơ khí chế tạo, điện tử, các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, logistics xanh, cảng xanh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp số, tự động hóa trong quản lý và vận hành KCN. Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn cao về tính bền vững của chuỗi cung ứng, đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ được sản xuất và cung cấp một cách có trách nhiệm với môi trường và xã hội./.

Cùng chuyên mục
Hải Phòng: Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế