Hải Phòng thu hút FDI dẫn đầu cả nước, mục tiêu 2030 là thành phố tầm cỡ khu vực Đông Nam Á

(BKTO) - Hải Phòng là điểm sáng thu hút FDI top đầu cả nước. Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được định hướng phát triển thành khu kinh tế sinh thái 3.0 đa ngành.

Sáng ngày 4/6 tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) trên địa bàn thành phố thời gian qua và đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Hội nghị thu hút sự quan tâm, tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại thành phố; đội ngũ báo cáo viên và các cơ quan báo chí thành phố, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành và địa phương tại Hải Phòng nhằm phục vụ công tác tuyên truyền.

Hải Phòng: Phát triển kinh tế - xã hội từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hải Phòng.

5.6-hai-phong(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị cung cấp thông tin về thu hút vốn FDI trên địa bàn thành phố thời gian qua và đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng

Cho đến nay, dòng vốn FDI đã được nhìn nhận như là một trong những “trụ cột” tăng trưởng kinh tế của thành phố. Vai trò của FDI được thể hiện rất rõ qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng như bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm, tạo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy thành phố hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nhờ có sự đóng góp quan trọng của FDI, Hải Phòng đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua và được biết đến là thành phố phát triển năng động, đổi mới, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, Thành phố Hải Phòng đã hiện thực hóa các quan điểm của Nghị quyết, Thành ủy, HĐND, UBND, các ban, sở, ngành, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, với nhiều cách làm sáng tạo và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, cơ cấu vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa.

Trong đó, vốn khu vực ngoài Nhà nước và FDI đạt 508.150 tỷ đồng, gấp 3,67 lần so với nhiệm kỳ trước. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,41 tỷ USD, gấp 1,23 lần nhiệm kỳ trước.

Hải Phòng đã thực sự tạo dựng được niềm tin trong các nhà đầu tư nói chung và đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hải Phòng được đánh giá là một điểm sáng trong thu hút FDI và luôn duy trì đứng trong top đầu cả nước. Dẫn chứng tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, năm 2024, thành phố đặt mục tiêu thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI. Tính đến 20/4/2024, Hải Phòng thu hút vốn FDI đạt 253 triệu USD, đạt 12% kế hoạch cả năm.

Trước đó, năm 2023, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Hải Phòng về đích sớm 4 tháng, tổng cộng 3,446 tỷ USD với 950 dự án, đứng thứ 2 cả nước. Năm 2022 đạt 2,083 tỷ USD, năm 2021 thành phố đạt 5,298 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Với sự quyết tâm của chính quyền thành phố cùng nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, các điều kiện hạ tầng và điều kiện khác, Hải Phòng không ngừng cố gắng để đạt kế hoạch thu hút FDI như thành phố đề ra.

Hiện tại, trên địa bàn Thành phố Hải Phòng đã thu hút vốn đầu tư từ nhiều công ty, tập đoàn lớn hàng đầu châu Á: Tập đoàn LG - Hàn Quốc với 6 dự án có tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone - Nhật Bản có tổng vốn đầu tư 1,22 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle - Hồng Kông có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron - Đài Loan có vốn đầu tư 800 triệu USD.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, Nghị quyết Đại hội XVI trong thời gian tới, Đảng bộ Thành phố Hải Phòng xác định các nhiệm vụ đồng bộ, trọng tâm:

Thứ nhất, huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào thành phố; trong đó chú trọng các nguồn vốn tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, coi đây chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn đóng góp ngân sách bền vững cho thành phố.

Thứ hai, chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến năm 2025, khu vực kinh tế FDI đóng góp 35% vào GRDP thành phố.

Thứ ba, tăng cường triển khai củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, đảm bảo các mục tiêu quan hệ chính trị, hữu nghị và luôn đặt lợi ích phát triển kinh tế làm trọng tâm, hướng đến thu hút FDI, ODA, đẩy mạnh giao thương và xuất nhập khẩu để góp phần phát triển thành phố.

Đưa khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thành điểm sáng kinh tế miền Bắc

Cũng tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế đã thông tin về Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Hải Phòng xác định, mục tiêu xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thành Khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại; đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đến năm 2030, trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế Thành phố Hải Phòng.

Theo đánh giá của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, khi Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng hình thành và đưa vào khai thác thì đây sẽ là "mắt xích" quan trọng hình thành chuỗi khu kinh tế ven biển, tận dụng tối đa dư địa phát triển của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ có diện tích 20.000 ha, ven theo đường cao tốc ven biển, khu vực sông Văn Úc, cảng và logistics Nam Đồ Sơn cùng sân bay Tiên Lãng.

5.6.-hai-phong-2.jpg
Ông Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế phát triển phát biểu tại Hội nghị.

Khu kinh tế này sẽ phát triển theo mô hình sinh thái, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại và là đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị, cung ứng khu vực, thế giới và theo lộ trình năm 2024 - 2025 thành lập khu kinh tế.

Từ năm 2026 đến năm 2030, các cơ quan liên quan lập, trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu chức năng và sẽ thu hút dự án thứ cấp.

Trong Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng sẽ có các khu công nghiệp Tiên Lãng 1, Tiên Lãng 2, Tân Trào, Ngũ Phúc, Trấn Dương-Hòa Bình, sân bay Tiên Lãng. Thành phố Hải Phòng định hướng, đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế địa phương; đồng thời, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.

Việc hình thành Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá khoa học. Cụ thể, khu kinh tế này nằm trong quy hoạch phát triển khu kinh tế tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2030.

Hệ thống hạ tầng khu vực này đồng bộ, hiện đại bao gồm: Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cảng trung chuyển quốc tế Nam Đồ Sơn, Sân bay quốc tế Cát Bi, Sân bay Tiên Lãng dự bị cho Sân bay Nội Bài.

Khu kinh tế này còn nằm trong trục hành lang kinh tế khu vực và quốc tế gồm hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; trong đó, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài 392 km, tốc độ 160 km/h, năng lực 10 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng vốn 100.000 tỷ đồng (dự kiến khởi công trong năm 2025); Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

"Hiện khu kinh tế này đã có các nhà đầu tư nghiên cứu và dự kiến đầu tư tổng vốn đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Cùng đó, Thành phố Hải Phòng cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với cảng Los Angeles, cảng New York và cảng New Jersey về phát triển tổ hợp cảng biển, sân bay, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics với quy mô từ 5-10 tỷ USD", ông Lê Trung Kiên cho biết.

Các chuyên gia đánh giá, khu kinh tế này sẽ tận dụng tốt dư địa phát triển của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, một trong những khu kinh tế đánh giá là thành công nhất cả nước với tỷ suất đầu tư rất cao, trung bình đạt 12 triệu USD/ha, riêng Khu Công nghiệp Tràng Duệ đạt tới 37 triệu USD/ha.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, dự kiến đến năm 2030, năng lực của Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng sẽ tương đương với 80% năng lực của khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, quá trình triển khai thực hiện Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi tác động đến nhiều vấn đề, như: Giải phóng mặt bằng, tái định cư, thay đổi cơ cấu việc làm…

Vì vậy, Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định cần có sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, trách nhiệm của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, báo cáo viên, phóng viên, cộng tác viên dư luận xã hội, hệ thống Tuyên giáo toàn thành phố thực hiện tốt việc nắm bắt dư luận xã hội, thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân kịp thời để tạo sự đồng thuận cao của toàn thể Nhân dân trong triển khai thực hiện.

Đồng thời, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng nhấn mạnh việc xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là thực hiện khát vọng phát triển thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Phấn đấu đến năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Cùng chuyên mục
Hải Phòng thu hút FDI dẫn đầu cả nước, mục tiêu 2030 là thành phố tầm cỡ khu vực Đông Nam Á