Hải trình đến Trường Sa

(Ghi chép của MINH QUANG) | 25/04/2024 06:38

(BKTO) - Dù đã nhủ lòng, nhưng nếu chưa viết, cảm giác mình như có lỗi, như mắc nợ. Mắc nợ với hàng dài quân và dân trên đảo trong những giờ phút chia tay hô vang, cháy bỏng: “Trường Sa vì Tổ quốc”; mắc nợ với những đôi mắt đỏ hoe, bất kể chức vị, trẻ già, trai gái; mắc nợ với những trái tim cứ rung lên nức nở…

truong-sa-3.jpg
Các thành viên KTNN chụp ảnh lưu niệm cùng Trưởng đoàn Công tác số 7 bên cột mốc chủ quyền Trường Sa.
Ảnh: HOÀNG LONG

Ngày đầu làm “chiến sỹ”

Một thành viên trong đoàn công tác của tôi nhắc đi nhắc lại: “Được ra với Trường Sa là cái duyên của một đời người”. Đúng là có rất nhiều cái duyên, nhưng có lẽ phải kể đến đó là cũng những ngày này 49 năm trước, trong khí thế hào hùng của những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, rạng sáng ngày 14/4/1975, các tàu HQ673, HQ674, HQ675 giải phóng đảo Song Tử Tây, rồi lần lượt là đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn và 9 giờ ngày 29/4, ta giải phóng đảo Trường Sa. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối, cả dân tộc ta đi lên chủ nghĩa xã hội…

Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…

(Đoạn trích diễn văn của Đại tướng Lê Đức Anh tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tổ chức trên đảo Trường Sa Lớn, ngày 07/5/1988)

Và giờ, đầu tháng Tư, chúng tôi nhận quyết định lên đường. Đây là lần đầu tiên Kiểm toán nhà nước (KTNN) thành lập một đoàn công tác ra Trường Sa có quy mô lớn như vậy. Thêm một cái “duyên” nữa là đoàn chúng tôi đi tròn 30 người - đúng với con số 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024). Bắc - Trung - Nam hội tụ.

Ngày đầu tiên “hội quân” về Đoàn công tác số 7 của Quân chủng Hải quân do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân - làm Trưởng đoàn, chúng tôi được tham gia các chương trình do Bộ Tư lệnh Vùng 4 tổ chức: Thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma, Chùa Linh Nguyên, Tượng đài liệt sỹ tù chính trị Cam Ranh, Công viên Tâm Linh, Lữ đoàn 162, Vùng 4 và Lữ đoàn 189 Hải Quân.

Đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày thứ hai, cả đoàn “hành quân” xuống Cảng Quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa. Mặc dù dậy khá sớm nhưng trên xe, ai cũng có cảm giác vừa phấn chấn, vừa bồn chồn. Trước mặt chúng tôi là con tàu HQ561 sừng sững neo sát bờ với cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, những thủy thủ da sạm nắng thoăn thoắt ngược xuôi nhận chuyển hàng hóa, đồ đạc lên tàu. Các thủ tục được xử lý rất nhanh. Từng đoàn vội vã chọn góc để chụp cho mình một vài kiểu ảnh gắn với con tàu HQ561 làm kỷ niệm.

Trước giờ xuất phát, Đoàn công tác số 7 đã thực hiện Lễ chào cờ và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sỹ đã góp công to lớn cho độc lập, thống nhất của dân tộc. Trong nền nhạc “Hồn tử sĩ” quyện khói hương, chỉ có tiếng sóng biển rì rào và bầu trời lồng lộng nắng.

Tôi đứng im trên boong tàu, tay để lên ngực trái, cảm nhận được sự thổn thức trái tim mình khi tiếng còi vang lên, tàu từ từ rời bến. Những bàn tay vẫy chào tạm biệt của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, con tàu mang số hiệu HQ561 hướng về biển Đông.

Tạm biệt nhé, chúng tôi ra với quân và dân biển đảo Trường Sa đây…

Thời gian từng khắc, từng khắc trôi đi.

Tàu càng xa đất liền thì cột sóng trên điện thoại di động cũng dần dần teo tóp lại. Những con người quen sống trong thời kỳ 4.0 và lướt mạng 5G như gió giờ ngồi nhìn chiếc điện thoại như cục gạch!

13 giờ, chúng tôi đang lơ mơ trong giấc ngủ trưa thì tiếng loa gióng giả vang lên: “Đã hết giờ ngủ nghỉ. Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Chúng tôi bật dậy theo hiệu lệnh của người chiến sỹ!

Từ việc ăn uống thay đổi giờ giấc, từ việc điện thoại thành vật vô tri, từ chỗ ăn ở sinh hoạt chật chội… tất tật không làm cho chúng tôi phàn nàn hay ca thán một câu. Thật kỳ lạ! tình cảm thiêng liêng hướng về Trường Sa với tất cả tấm lòng khiến con người ta bỗng xem nhiều thói quen trên đất liền ấy bỗng như vật ngoài thân.

Chúng tôi bắt đầu cho những công việc của cuộc hành trình và chờ đợi - ngày mai, tới Song Tử Tây - điểm đầu tiên mà Đoàn công tác số 7 sẽ ghé thăm.

Song Tử Tây và Đảo Sinh Tồn Đông

13 giờ ngày thứ hai xa đất liền: Tàu thả neo gần Đảo Song Tử Tây!

Dù đã được thông báo rất kỹ số hiệu từng con xuồng chở đại biểu vào đảo nhưng có lẽ vì quá mong chờ, nhất là sau hơn một ngày chỉ thấy biển trời mênh mông, giờ bóng dáng hòn đảo thân yêu ngay trước mắt, vậy nên, dù nắng gay gắt thì tất cả vẫn mặc áo phao và đứng xếp hàng chỉnh tề để chờ được xuống xuồng. Mồ hôi túa ra, vã vần. Kệ! Chúng tôi vẫn “một ly không rời”, kiên quyết không tìm về chỗ râm mát mà đợi cả nửa tiếng ngoài boong tàu nắng nóng để đến lượt. Khó nói hết cảm xúc của phần lớn đại biểu đều mới đi lần đầu hành trình ra Trường Sa, vì thế, háo hức lắm, hồi hộp lắm!

truong-sa-2.jpg
Đoàn công tác của KTNN tặng xe đạp cho quân dân xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: HOÀNG LONG

13 giờ 5 phút! Chiếc xuồng đầu tiên rời tàu tiến về phía đảo…

Chìa tay đón, đỡ tôi lên bờ là hai chiến sỹ rạn màu nắng gió của biển, chỉ có hàm răng sáng bóng với nụ cười thân mật: “Chào chị”. Qua cầu tàu tròng trành có chiến sỹ cởi giúp áo phao, nâng niu, gượng nhẹ. Chúng tôi như chim sổ lồng, hăm hở hướng về khu nhà của Đảo.

Đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa, cách Cảng Cam Ranh trên 300 hải lý, có diện tích 210.080m2. Nhìn từ xa, đảo như một thành phố thu nhỏ, thanh bình mọc lên giữa đại dương với màu xanh của cỏ cây hoa lá.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây được giải phóng đầu tiên vào ngày 14/4/1975, khiến quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta giải phóng các đảo khác trên quần đảo Trường Sa.

Đảo khá rộng, nếu đi bộ trên những con đường thì không nghĩ đây là đảo, nhà cửa, vườn hoa, cây cối san sát, chỉ khác là không có tàu xe và các phương tiện giao thông qua lại.

Lững thững thả bộ theo những ngõ ngách trên đảo. Đây là ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m, đêm đêm thắp sáng dẫn lối cho những con tàu vượt qua vùng biển sóng gió, đầy bãi ngầm, đá cạn. Kia là những công trình đã được xây dựng, như: Nhà văn hóa, khu tưởng niệm Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học, khu làng chài, bệnh xá, bãi tập đa năng… và ấn tượng mạnh mẽ với tất cả chúng tôi là một màu xanh miên man của những tán bàng vuông, cây phong ba trên đảo…

Chia tay Song Tử Tây, chúng tôi có một đêm để hồi tưởng, ghi nhật ký, nhấm nháp những kỷ niệm, thời khắc trên đảo đã qua và để tiếp tục mong chờ…

truong-sa-1.jpg
Các thành viên Đoàn công tác của KTNN đi thăm và động viên quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Hoàn Long

6 giờ sáng ngày thứ ba của Đoàn công tác, từng chiếc xuồng lại băng băng rẽ sóng đưa chúng tôi rời tàu để tiến vào đảo Sinh Tồn Đông. Sóng từ đêm qua đã lớn hơn, tôi ngồi cạnh chiến sỹ lái xuồng, nước biển tung lên táp vào mặt, chưa kịp cảm nhận đủ cái mặn mòi của nước biển thì đã thấy xuồng cập bến. Vẫn những nụ cười ấy, lời chào thân thiện mừng rỡ ấy, các chiến sỹ đón chúng tôi bằng cả tấm lòng.

Đảo không lớn, chuyến khám phá đưa chúng tôi đến với những rặng phi lao vi vút gió, những chùm hoa giấy tím bầm dưới nắng, những cây bàng vuông đang ra hoa và kết quả. Thi thoảng, trong đám lá xanh mướt, những quả bàng vuông to như nắm tay, như vẫy gọi những người như chúng tôi lần đầu được biết tại sao lại gọi là “bàng vuông”.

Sau lễ trao tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo là các tập thể, cá nhân xếp hàng dài chụp ảnh ở Biểu tượng Đảo Sinh Tồn Đông với chiến sỹ trẻ bồng súng trang nghiêm dõi mắt nhìn ra biển.

Tiếng nhạc bập bùng, đội văn nghệ xung kích của TP. Hải Phòng và các hạt nhân văn nghệ trong đoàn đã hòa mình cùng tiếng hát của các chiến sỹ trên đảo, những điệu múa, điệu nhảy quấn quýt, vui mừng không nỡ dứt.

8 giờ 25 phút, trời bỗng đổ mưa. Một trận mưa bất ngờ. Chú lính trẻ đang chuyện trò cùng tôi bảo: “Hiếm lắm cô ơi, bốn tháng giờ mới có mưa”. Chúng tôi cười, không lẽ trời đất linh thiêng đã đón chào Đoàn công tác bằng một trận mưa cho đảo sau ngần ấy tháng ngày khao khát!

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024), được sự hỗ trợ của Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân - 20 chiếc xe đạp của Báo Kiểm toán mua dành tặng các chiến sỹ trên Đảo Trường Sa đang được vận chuyển vào Cảng Quốc tế Cam Ranh. Những món quà tuy nhỏ bé nhưng là cả tấm lòng của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo Kiểm toán gửi tới quân và dân trên quần đảo Trường Sa!

Có thể nói, chứng kiến sự thăm hỏi ân cần, trao quà tình nghĩa cho quân và dân trên đảo của đoàn công tác, chúng tôi thực sự thấm thía về tình cảm quân dân, về sự kiên cường bám đảo, bảo vệ từng tấc đất, non sông biển đảo quê hương, thấy mình còn thiếu sót vô cùng khi chưa thực sự chu đáo trong việc chuẩn bị được nhiều thứ hơn để mang đi tặng quân và dân nơi đây.

Trong số rất nhiều món quà ý nghĩa của Đoàn công tác số 7, Kiểm toán nhà nước đã gửi tặng 30 chiếc xe đạp, cùng nhiều phần quà cho quân và dân trên đảo. Trưởng Đoàn công tác số 7 - Chuẩn Đô đốc, Phạm Văn Quang - nhắc đi nhắc lại câu: “Trên đảo, phương tiện đi lại chính là xe đạp. Trời nắng, thay bằng đi bộ 1-2km, các chiến sỹ có chiếc xe đạp để di chuyển thật quý”.

ts.jpg
Các thành viên Đoàn công tác số 7 chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền Trường Sa. Ảnh: Hoàng Long

Vội vã đến, rồi vội vã đi, chỉ kịp hỏi các chiến sỹ quê quán ở đâu, nhập ngũ tự bao giờ; chụp với nhau vài kiểu ảnh, nhắn nhủ nhau vài câu chuyện rồi líu ríu chia tay. Không nỡ rời đâu, nhưng đã hết giờ rồi, chúng tôi phải lên xuồng về lại tàu theo quy định.

Tạm biệt nhé, mong sớm một ngày trở lại!

“Hạc ơi, hãy chở các anh về thăm mẹ”…

Còn nhớ, trước ngày tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà - Viện Y học Hải Quân - bỗng trở thành “cô giáo bất đắc dĩ” của cả phòng tôi. Chả là, bộ phận công tác chính trị trên tàu chuyển tới các phòng nữ nhờ gấp giúp những con hạc giấy để làm lễ tưởng niệm. Thật bối rối khi tất cả 7 chị em tôi đều chưa biết cách. Vậy là Đại tá Hà tỉ mẩn hướng dẫn chúng tôi suốt từ chiều đến đêm. Mấy chị em không ai bảo ai, lặng lẽ ngồi quây tròn xung quanh tập giấy trắng. Người cắt, người gấp, cặm cụi. Có điều, hầu hết chúng tôi gấp đến 5-7 lần vẫn lầm lẫn, vụng về. “Không sao, khó như bao kỳ đi thi ta còn vượt qua…” - Chị Hà động viên. Mà đúng vậy, được ngồi gấp những chú hạc này để dành tặng các anh - những người lính hiến tặng trọn tuổi thanh xuân cho đất mẹ, chúng tôi nhất định làm được, mà còn phải làm thật đẹp! Với tất cả tấm lòng, để cuối cùng cả mấy chị em đều cảm thấy thật hạnh phúc khi nhìn hàng trăm cánh chim hạc với nhiều kích cỡ, xinh xắn đã được hoàn thành.

Ngày mai, ngày mai, theo lịch trình, những cánh chim hạc này sẽ được thả về biển khơi, sẽ đến với các anh ở quần đảo Trường Sa…

Sáng hôm sau, rời Đảo Sinh Tồn Đông, đoàn chúng tôi trở lại tàu vào lúc gần 10 giờ sáng. Mặc dù quần áo còn thấm đẫm mồ hôi nhưng mấy chị em không ai phải giục ai, tất cả răm rắp leo lên boong. Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang đã ngồi đó tự bao giờ. Năm sáu cán bộ, chiến sĩ đang thoăn thoắt cắt cắt, dán dán. Vòng hoa đã kết được một nửa. Mấy chị em sà vào người cắt, người tỉa từng nhánh hoa cúc để chuẩn bị cho chiều nay làm lễ tưởng niệm.

Lần lượt đại diện các đơn vị cũng xuất hiện, mỗi người một việc, ai cũng trang trọng, cặm cụi làm, vì thế bàn thờ vọng, vòng hoa có hình cờ đỏ sao vàng và mâm lễ đầy đủ chẳng mấy chốc đã được hoàn thành. Mọi thứ đã sẵn sàng.

12h30, hầu như cả phòng tôi đều thức dậy với tâm trạng bồn chồn. Một không khí trầm lắng bao trùm. Ai cũng mong ngóng cái giờ phút thiêng liêng này. Mong ngóng đến nỗi, chỉ vừa nãy thôi, vừa chợp mắt, một chị cùng phòng bỗng bật dậy thổn thức: “Các anh vừa về. Các anh đứng ngoài boong tàu. Các anh ấy mặc áo màu xanh…”.

Vì thế, chỉ cần có tiếng loa thông báo là tất cả nhao ra di chuyển lên boong tàu. Chuẩn Đô đốc, Chủ lễ tưởng niệm và tất cả đoàn xếp hàng ngay ngắn trang trọng trước bàn thờ vọng các anh linh. Trong số hơn 200 thành viên trong đoàn, phần đông là lần đầu tiên mới đến Trường Sa, tuy rất nôn nóng nhưng ai cũng lặng lẽ tuân thủ, trang trọng.

“Giờ này Đoàn công tác đang hành trình qua vùng biển Len Đao, Gạc Ma - Nơi mà cách đây 36 năm, vào ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn quyền, trọn vẹn biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động, với lòng thành kính, tiếc thương vô hạn, Đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi trẻ thanh xuân, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc…” - tiếng đồng chí Chính ủy sâu lắng, trang nghiêm. Tất cả im lặng, ngoại trừ tiếng sóng ầm ì vọng lại. Tiếng nhạc chiêu hồn liệt sỹ vang lên. Một phút mặc niệm bắt đầu. Ba tiếng còi tàu ngân lên giữa biển xanh vô tận. Từng người, từng người kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương.

Đoàn rước hương, hoa và lễ trang trọng từ boong bước xuống. Những giọt nước mắt, những lời nguyện cầu, tiếng sóng ầm ì vỗ mạn tàu. Nghe văng vẳng đâu đó như linh hồn linh thiêng của các anh hiện về.

“Hạc ơi, hãy chở các anh về thăm mẹ” - tôi thì thầm nói nhỏ rồi nhẹ nhàng thả cánh hạc giấy vào lòng biển cả. “Về đây đồng đội ơi, người chiến sỹ…”, giọng ai đó khê đặc cạnh tôi. Tiếng chị cùng đoàn run run: “Lắng nghe mà xem, trong tiếng gió, hình như có tiếng các anh…”.

Những bông hoa cúc, những cánh hạc trắng trôi theo dòng nước. Ai đó trên tàu đã nói rằng: “Dù thả ở đây nhưng hoa và lễ sẽ theo dòng nước trôi về Gạc Ma, về những nơi mà máu thịt của các anh còn lưu lại đó”.

Trời bỗng đổ mưa. Gió nổi lên, sóng xô vào thân tàu bọt tung trắng xóa. Những lời nguyện cầu vương vít theo khói hương. Sóng ôm trọn vòng hoa, hạc và bao nhiêu gửi gắm ân tình của Đoàn công tác… dần xa, dần xa. Tôi đứng lặng ở đầu tàu, dõi mắt ra khơi. Xa hút ở nơi ấy, bóng dáng Gạc Ma hiện ra. Ở đó, các anh hãy yên nghỉ cùng đất mẹ, đất nước, quê hương, gia đình, đồng đội và chúng tôi - những người từ mọi miền của Tổ quốc mãi mãi ghi tạc trong lòng công lao, sự hy sinh vĩ đại của các anh. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi. Đời đời nhớ ơn các anh. Chúng tôi sẽ viết tiếp những trang sử vàng của đất nước, chúng tôi sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh.

Các anh yên nghỉ nhé!

Truyện kể rằng…

“Truyện kể rằng Hoàng Sa, Trường Sa. Là anh em song sinh một nhà…”. Cho đến giờ, về đất liền cả chục ngày rồi, trong tôi vẫn luôn vang lên câu hát ấy, câu hát trong bài Truyền thuyết Hoàng Sa, Trường Sa. Câu hát mà rong ruổi theo chúng tôi trên suốt hải trình. Câu hát mà theo chúng tôi ngân nga trên boong tàu mỗi tối.

ts-2.jpg
Đoàn công tác tham gia lễ chào cờ tại thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Hoàng Long

Có vô vàn, vô vàn những bài viết về đêm trên biển với miêu tả ánh trăng vằng vặc tỏa sáng khắp nhân gian, nhưng đoàn tôi ra Trường Sa lại vào đúng dịp cuối tháng Hai và đầu tháng Ba âm lịch. Đêm nay là những ngày đầu tháng. Trăng non như lưỡi liềm trôi đi giữa bầu trời xa thẳm. Ranh giới giữa bầu trời và biển cả bị phá vỡ. Trong không gian bao la, ta không biết đâu là chân trời, là bến bờ, là biển cả. Sóng vỗ ì oạp ở mạn tàu. Con tàu lầm lũi đi về phía trước. Những cuốn sách mang theo bỏ ngỏ, dường như không đủ sức làm tôi thôi phóng tầm mắt phiêu du vào biển khơi tít tắp. Ở đây không có ánh đèn câu mực nhấp nháy. Ở đây không có tiếng xe, tiếng còi, tiếng ồn ào tạp âm của cả trăm ngàn thứ bộn bề của cuộc sống. Ở đây chỉ có trời, biển, gió và con tàu chở hàng trăm trái tim hồi hộp, nức nở, mong chờ…

Trường Sa!

Đúng 6 giờ sáng, đoàn chúng tôi đã nghiêm trang dưới lá Quốc kỳ bay lồng lộng giữa quảng trường - Đảo Trường Sa Lớn. Nghi thức diễu binh được thực hiện trang trọng, tôn nghiêm và đầy xúc động.

Ở nơi cách đất liền mấy trăm hải lý, khi tiếng nhạc vang lên, bài hát "Quốc ca" vang lên, tất cả đều rưng rưng. Lá cờ Quyết Thắng tung bay trong nắng sớm mai. 10 lời thề danh dự của quân nhân được hô vang giữa biển trời đảo Trường Sa. Chao ôi! Tôi muốn hét lên thật to, tôi muốn gào cho vỡ lồng ngực, cho tan vào không trung rằng ước gì người thân của tôi, bạn bè của tôi, đồng nghiệp của tôi đều được chứng kiến những giây phút thiêng liêng này!

Chỉ có những người đã được đến Trường Sa mới cảm nhận được hết, mới thấm thía được hết, bởi có những thứ không bút mực nào tả hết, có những cảm xúc không thể nói thành lời.

Từ biển xa nhìn vào đảo Trường Sa Lớn - thủ đô của quần đảo Trường Sa, như "một chấm xanh" - nổi bật trên nền xanh thẫm của nước biển. Đến với Trường Sa Lớn hôm nay, được dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại thị trấn Trường Sa, dạo bước trên con đường bê tông phẳng lì, rợp mát bóng cây xanh với những hàng bàng vuông, mù u, cây tra thẳng tắp, lại nhớ tới công lao ông cha ta đã xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ quyền và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp… đối với quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Thật vui mừng khi dễ dàng bắt gặp những công trình xây dựng kiên cố, hiện đại trên các đảo. Đó là những âu tàu lớn, những ngọn hải đăng hiên ngang, những bệnh xá hiện đại… Đặc biệt, khi đến thăm các điểm đảo, các thành viên Đoàn công tác đã vô cùng ngạc nhiên và thán phục trước những vườn ươm, vườn rau xanh mướt, những đàn vịt tung tăng đi lại, những chú lợn béo tròn do cán bộ, chiến sỹ chăn nuôi. Màu xanh của những luống rau muống, mùng tơi; sắc đỏ của ớt, cà chua và lủng lẳng nào những bầu, bí, mướp… Tất cả như bùng lên một sức sống mạnh mẽ, kiên cường giữa biển khơi bao la ngập tràn bão, gió, nắng và sóng.

ts-3.jpg
Đoàn công tác tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các thành viên. Ảnh: Hoàng Long

Đúng 10 giờ, chúng tôi rời đảo, tất cả quân và dân xếp hàng trên cảng để tiễn đoàn. Chuẩn Đô đốc và Trưởng các tổ công tác bắt tay từng chiến sỹ. Những cái ôm thật chặt, những lời dặn dò thấm đẫm. Tàu từ từ rời bến. Tiếng hát cất lên. Người trên tàu, người dưới bến, giọng hát hoà thành những bản trường ca hùng tráng tưởng chừng như không bao giờ dứt.

“Không xa đâu Trường Sa ơi”, tiếng hát từ trên boong cất lên. Trên bờ, tiếng hô rền vang: “Trường Sa vì Tổ quốc”; trên boong tàu, không ai bảo ai đồng thanh: “Tổ quốc vì Trường Sa”. Giai điệu đó lặp đi lặp lại cho đến khi tiếng sóng, tiếng gió, không gian và thời gian cuộn lại, xa dần, xa dần. Tiếng sụt sịt của mấy phụ nữ trên boong tàu bật ra nức nở, vỡ òa…

Chúng tôi cuống cuống xô về hướng mạn tàu - nơi còn nhìn rõ được những hình ảnh thân thương vẫn còn đứng đó cho dù Tàu đã rời xa. “Không xa đâu Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi”, “Trường Sa vì Tổ quốc - Tổ quốc vì Trường Sa…”.

10 giờ 15 phút! Khi hàng người gần như nhòa đi lẫn vào những cuộn sóng xô bọt tung trắng xóa. Chúng tôi vẫn bám lấy mạn tàu không nỡ rời xa. Có một cái gì đó không thể nói thành lời, không thể diễn tả hết, chỉ có lồng ngực nghèn nghẹn, thổn thức. Ôi Trường Sa - pháo đài tiền tiêu bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Con tàu tiếp tục hải trình, biển xanh ngắt và nắng chói chang, lá cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu rực sáng, phấp phới…

Hải trình 7 ngày ấy, tôi và hầu hết anh chị em trong Đoàn lỡ hẹn với đảo Len Đao và Nhà giàn DK1. Cho dù tất cả đoàn đã sẵn sàng ở cầu tàu để lên xuồng vào thăm các chiến sỹ ở đảo Len Đao thân yêu. Đảo ngay trước mặt, vẫn biết là các cán bộ chiến sỹ cũng đang ngóng chờ từng giây, từng phút, nhưng thủy triều rút nhanh, chỉ có Trưởng đoàn và đại diện Đoàn công tác có thể kịp ghé thăm; còn lại, con tàu của chúng tôi neo lại ngoài xa. Với Nhà giàn DK1, tàu HQ561 phải đi quanh 3 vòng để chúng tôi được vẫy chào, để đội văn nghệ xung kích và anh chị em trong đoàn “hát cho nhau nghe” qua bộ đàm nối liền với các chiến sỹ.

Vì an toàn cho Đoàn công tác nên tất cả đều phải tuân thủ theo hiệu lệnh, ngậm ngùi, xin đành lỡ hẹn mùa năm nay, mong một ngày gặp lại./.

Cùng chuyên mục
Hải trình đến Trường Sa