Hạn chế thất thoát thuế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản

(BKTO) - Những năm gần đây, ngoài việc thu hồi đất để thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều địa phương còn thực hiện đổi đất lấy hạ tầng nhằm xây dựng các khu đô thị. Do nhu cầu chỗ ở tăng nên kinh doanh bất động sản (BĐS) ngày càng phát triển, nhiều địa phương có khoản thu ngân sách từ hoạt động này. Thực tiễn quá trình kiểm toán cho thấy, Nhà nước cần rà soát lại các khoản thu theo quy định của Luật Thuế, Luật Đất đai và các luật có liên quan đối với lĩnh vực kinh doanh này để hạn chế kẽ hở làm giảm nguồn thu cho NSNN.




Cần rà soát lại các khoản thu theo quy định đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS để hạn chế kẽ hở làm giảm thu NSNN. Ảnh: T.Anh

Việc điều chỉnh khung giá đấtcòn chậm, chưa theo kịpdiễn biến thị trường

Theo quy định hiện nay về thuế chuyển nhượng BĐS, khi DN nhận được dự án giao đất của địa phương (dự án đổi đất lấy hạ tầng) để hoạt động kinh doanh BĐS, ngoài thuế giá trị gia tăng (GTGT), các khoản nộp khác, DN còn phải nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên tổng lợi nhuận trước thuế (khoản 2, Điều 17, Thông tư số 78/2014/TT-BTC). Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng, có trường hợp DN không bán trực tiếp ra thị trường mà bán cho nhà đầu tư thứ cấp. Theo quy định của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, nếu không xác định được chi phí đầu vào thì thuế suất thuế TNCN về chuyển nhượng BĐS là 2% trên doanh thu (khoản 2, Điều 22, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và khoản 7, Điều 2, Luật số 71/2014/QH13 - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Nếu DN vận dụng điểm này sẽ có một khoản chênh lệch lớn về số thuế phải nộp NSNN.

Chẳng hạn, DN bán một lô đất ở với diện tích 100m2, chi phí đầu vào (bao gồm chi phí tiền sử dụng đất và chi phí quản lý) là 900 triệu đồng, doanh thu (giá thị trường) là 1,6 tỷ đồng, thuế TNDN phải nộp là 140 triệu đồng. Trường hợp DN bán cho nhà đầu tư thứ cấp với giá 900 triệu đồng, thuế TNDN phải nộp là 0 đồng (giá bán phù hợp với quy định tại bảng giá đất của UBND tỉnh/thành phố), sau đó, cá nhân bán ra thị trường với giá 1,6 tỷ đồng, thuế TNCN phải nộp là 32 triệu đồng. Như vậy, số tiền phải nộp vào NSNN giảm 108 triệu đồng. Khi địa phương giao đất cho DN với diện tích càng lớn thì thất thoát về thuế càng cao. Điều đó cho thấy, DN có thể sẽ vận dụng các chính sách chưa đồng bộ để tăng thu nhập, làm giảm số thuế phải nộp NSNN.

Hiện nay, theo Điều 113, Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1, Điều 9, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, căn cứ vào mức độ biến động của giá đất trên thị trường, Chính phủ sẽ có sự điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều chỉnh này còn chậm so với quy định và chưa theo kịp diễn biến của giá cả thực tế trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ quy định mức trần khung giá đất tại một số tỉnh, thành thấp hơn so với giá đất thực tế, căn cứ vào quy định này, địa phương xây dựng giá đất thấp hơn giá thị trường và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm thất thu NSNN.

Điều 17, Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định, giá bán đất của DN không được thấp hơn giá quy định của UBND tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, bảng giá đất do địa phương quy định thường thấp và không theo kịp giá thị trường. Mặt khác, theo khoản 1, Điều 114, Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất quy định của UBND tỉnh/thành phố thường ổn định trong 5 năm nên sẽ không theo sát thực tế và không phù hợp với giá thị trường. Điều này dẫn đến việc DN vận dụng và thay đổi phương thức kinh doanh để tăng thu nhập và làm giảm khoản thuế phải nộp.

Hiện tại, một số địa phương quy định giá đất thành 2 loại: giá đất có tên đường (phố) và giá đất chưa có tên đường, giá đất ở khu vực có tên đường cao hơn so với giá đất ở khu vực chưa có tên đường. Để có tên đường, UBND tỉnh/thành phố phải trình HĐND xem xét, phê duyệt nên thường rất chậm. Theo đó, sau khi hoàn thành đầu tư công trình, chủ đầu tư bán ngay cho nhà đầu tư với giá thấp nhất (theo giá đất được quy định chưa có tên đường), dẫn đến không phát sinh thuế TNDN phải nộp hoặc phát sinh thấp.

Cần điều chỉnh khung giá đấtvà thuế thu nhập cá nhântrong kinh doanhbất động sản

Để giảm thất thoát thuế trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, Chính phủ, các địa phương cần xem xét một số nội dung:
Điều 113, Luật Đất đai năm 2013 quy định, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Tuy nhiên, do giá đất chưa được điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả thị trường nên Chính phủ cần bỏ quy định mức trần khung giá đất vùng và giao cho địa phương để trong trường hợp có biến động tăng hoặc giảm từ 20% so với bảng giá đất quy định, UBND địa phương kịp thời xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường trình HĐND tỉnh/thành phố phê duyệt, ban hành.

Bên cạnh đó, các địa phương cần bám sát biến động của thị trường và nhận định nguyên nhân tăng, giảm để xây dựng bảng giá đất cho phù hợp với giá thị trường. Trong trường hợp giá đất trên thị trường có biến động tăng, giảm từ 20% trở lên, UBND tỉnh/thành phố chủ động xây dựng lại bảng giá đất và trình HĐND phê duyệt. Bảng giá đất được xây dựng không nhất thiết định kỳ 5 năm một lần, căn cứ vào sự biến động của thị trường để xây dựng lại và công bố công khai hằng năm. Mặt khác, căn cứ giá cả biến động của thị trường đối với từng dự án đã hoàn thành hạ tầng nhưng chưa có tên đường, các địa phương cần đưa ra mức giá phù hợp, tránh để DN lợi dụng thời gian chưa có tên đường để bán cho nhà đầu tư thứ cấp với mức giá thấp, làm giảm số thuế phải nộp.

Để tránh trường hợp chuyển thuế từ thuế TNDN sang thuế TNCN (từ mức thuế cao sang thấp) đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS, cần sửa đổi thuế suất thuế TNCN theo cách tính thuế TNCN lũy tiến trên tổng mức thu nhập chịu thuế, mỗi bậc tăng thêm chịu mức thuế suất khác nhau (như quy định thang bậc tính thuế TNCN từ tiền công hiện hành) để sát với thực tế hơn, đồng thời, tránh trường hợp các DN chuyển từ loại thuế này sang loại thuế khác có mức nộp thấp hơn.

ĐOÀN ĐỨC QUÝ
KTNN khu vực III
Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị  phương án phục hồi sau đại dịch
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam - chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều chuyên gia dự báo, sau thời kỳ suy giảm trầm trọng, sẽ có một giai đoạn trì trệ và hoạt động cầm chừng. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam nhờ những thay đổi mạnh mẽ, kịp thời và mang tính bền vững để ứng phó với tình hình mới của Chính phủ.
  • Chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã có những dự liệu, đồng thời, các nhà sản xuất, cung ứng lớn cũng đã chủ động dự trữ, lưu kho, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân, không để khan hàng, sốt giá.
  • Nghị định mới về kinh doanh vận tải: Hướng đi nào cho xe công nghệ?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, các hãng như Grab, Bee… sẽ phải chọn lựa một hình thức phù hợp theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định 10), thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
  • Nâng cao hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, để đồng bộ với những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành cần phải mạnh tay cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý của mình.
  • ICAEW: Dự đoán GDP Đông Nam Á năm 2020 giảm
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á mới nhất của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,2% vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Coronavirus (COVID-19).
Hạn chế thất thoát thuế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản