Hàng loạt vi phạm trong công tác đấu thầu…
Nhiều “đại án” liên quan đến sai phạm về đấu thầu dự án gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước liên tục được đưa ra trước pháp luật trong thời gian gần đây. Hệ quả của tình trạng này là không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Xác định đây là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán tăng cường kiểm tra, rà soát, làm rõ đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV (đơn vị thực hiện kiểm toán lĩnh vực dự án đầu tư về giao thông) Vũ Thanh Hải cho biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo, trong kiểm toán, đơn vị đặc biệt quan tâm đến việc chấp hành quy định về đấu thầu. Theo đó, các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên khi kiểm toán dự án đầu tư xây dựng phải xem xét thận trọng từ hồ sơ mời thầu, các tiêu chí dự thầu cho đến chi tiết hợp đồng, tránh nguy cơ bỏ lọt sai sót, dẫn đến rủi ro, cũng như giảm làm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán…
Dù không có chức năng điều tra đến tận cùng và phải giới hạn kiểm toán theo pháp luật KTNN, song những phát hiện của KTNN lại có giá trị, ý nghĩa lớn. Đây là những phát hiện bước đầu, nhưng rất quan trọng, giúp các cơ quan có chức năng điều tra xem xét sâu hơn để đánh giá vi phạm và xác định tội phạm, nhất là với lĩnh vực đấu thầu, nhiều hành vi phạm tội rất tinh vi, rất khó phát hiện bằng các biện pháp kiểm tra thông thường.
TS. Nguyễn Minh Phong
Với sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, hàng loạt sai phạm trong thực hiện pháp luật về đấu thầu đã được KTNN chỉ ra. Nổi cộm là trong công tác lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn nội dung chưa phù hợp, đầy đủ; xác định hình thức hợp đồng chưa phù hợp; áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đảm bảo quy định. Nhiều gói thầu còn tình trạng hợp đồng ký kết thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ nội dung; hợp đồng ký kết không phù hợp quy định, chưa phù hợp về hình thức so với quyết định phê duyệt…
Đơn cử, qua kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư năm 2023, KTNN chỉ rõ: tỉnh Kiên Giang chỉ định thầu Gói thầu tư vấn của Dự án Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang quy mô 400 giường; tỉnh Thanh Hóa thực hiện chỉ định thầu với Dự án khu dân cư, tái định cư Cánh đồng Sông Đông, Sầm Sơn không đúng quy định… Thậm chí, còn tình trạng chủ đầu tư đưa ra tiêu chí làm hạn chế tính cạnh tranh giữa các nhà thầu (tỉnh Thanh Hóa 5 dự án, Đà Nẵng 3 dự án, Đắk Lắk 1 dự án), phân chia gói thầu chưa phù hợp (Dự án Lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện).
Trước đó, năm 2022, nhiều sai phạm tương tự trong công tác đấu thầu cũng đã được KTNN chỉ ra. Trong đó, nổi cộm là tình trạng áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đảm bảo quy định xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương như: Bình Định, Long An, Ninh Bình, Điện Biên, Phú Yên, Đắk Lắk... Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra tiêu chí làm hạn chế tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, điển hình như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và nhiều dự án khác… Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu.
KTNN giúp cảnh báo, răn đe vi phạm…
Việc thực hiện pháp luật về đấu thầu thời gian qua cho thấy, đang có những “lỗ hổng” tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng để gian lận thầu. Qua hoạt động điều tra, xét xử đối với các vụ việc vi phạm trong đấu thầu xảy ra gần đây cho thấy, ở mỗi lĩnh vực khác nhau, các đối tượng sử dụng chiêu thức thủ đoạn hết sức tinh vi để che dấu vi phạm trong công tác đấu thầu nhằm trục lợi; trong đó có sự tham gia, tiếp tay của chính lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp…
Với chức năng đã được luật định, KTNN đã tập trung kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán. Thực tế, hằng năm, KTNN đã chuyển nhiều vụ việc đến cơ quan điều tra, cơ quan chức năng để phục vụ việc điều tra, giám sát đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Không chỉ kiến nghị xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong công tác đấu thầu. Quan trọng hơn, từ những phát hiện kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu, nhằm bịt “lỗ hổng” từ cơ chế. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu vừa qua, KTNN đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện Dự thảo Luật. Nhiều kiến nghị của KTNN đã được tiếp thu, cụ thể hóa trong Luật. Đơn cử như vấn đề chỉ định thầu, qua thực tiễn kiểm toán cho thấy có không ít trường hợp chia nhỏ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để chỉ định thầu. “Để giải quyết vấn đề này, những trường hợp nào được chỉ định thầu cần nêu cụ thể hơn trong Luật và quy định làm sao để ngăn chặn được tình trạng chia nhỏ gói thầu, chỉ định thầu” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Nêu quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chủ động phòng ngừa, phòng là chính”, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, thông qua các phát hiện kiểm toán, KTNN đã chỉ ra sai sót trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có vi phạm chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, đối với sai phạm, cụ thể như trong công tác đấu thầu, KTNN cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, thậm chí là chuyển điều tra. Điều này thể hiện vai trò là công cụ giúp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa của KTNN, song cũng thể hiện sự răn đe, quyết liệt, “không có vùng cấm” khi KTNN kiến nghị xử lý đến cùng đối với các vi phạm này.
Dưới góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, từ những bất cập, sai sót trong hoạt động đấu thầu đã được KTNN chỉ ra, một mặt đòi hỏi các cơ quan đơn vị, cá nhân cần tiếp thu kiến nghị của KTNN, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đấu thầu để tránh rủi ro pháp lý, dù đã được cảnh báo trước. Mặt khác, để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vi phạm, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với lĩnh vực đấu thầu. “Như tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN cần tiếp tục chuyển ngay hồ sơ đối với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để điều tra, xử lý nghiêm minh” - đại biểu Hòa nhấn mạnh./.