Hàng loạt sai phạm tại Dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1

(BKTO) - Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư từ thời điểm triển khai. Đến ngày 26/4/2013, Dự án được Tổng Công ty Phát điện 1 (Genco1) tiếp nhận và đưa vào vận hành phát điện thương mại. Mục tiêu của Dự án là nhằm cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam và hệ thống điện quốc gia, đáp ứng chương trình phát triển nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025. Tổng mức đầu tư (TMĐT) sau hai lần điều chỉnh là hơn 29.245 tỷ đồng, đến tháng 01/2016 cả hai tổ máy đã bước vào phát điện thương mại.





Tổng mức đầu tư tăng bởi nhiều nguyên nhân

Đây là dự án được chú trọng đầu tư, nhưng các chủ đầu tư cũng như Ban Quản lý Dự án (QLDA) đã để xảy ra khá nhiều sai phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và quản lý, sử dụng nguồn vốn làm tăng TMĐT... Đó là chưa kể đến những thiếu sót trong việc đánh giá tác động môi trường; áp dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi với suất đầu tư cao, thời gian xây dựng dài và không linh hoạt khi vận hành… Những sai sót này đã được KTNN chỉ rõ và có những kiến nghị cụ thể.

Theo kết quả kiểm toán, ngay từ khâu lập, thẩm định dự án, chủ đầu tư đã không chỉ đạo thực hiện khảo sát địa chất để phục vụ công tác lập thiết kế cơ sở, dẫn đến việc phải thay đổi phương án thi công một số hạng mục cọc bê tông, cọc xi măng đất… khiến cho TMĐT ban đầu được lập không chính xác.

KTNN cũng xác định, nguồn vốn của dự án chưa được tổ chức cho vay vốn tiến hành thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ, điều này không đúng với Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, khi thương thảo vốn vay nước ngoài, EVN đã không lường hết được các chi phí đi vay như: lãi suất vay vốn, chi phí bảo hiểm tín dụng, phí thu xếp… để ghi nhận vào TMĐT. Ngoài ra, Báo cáo kết quả thẩm định của tổ thẩm định thuộc EVN cũng không đầy đủ nội dung: tiến độ thực hiện dự án, phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, khả năng huy động vốn, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường của Dự án...

Nguyên nhân làm TMĐT tăng còn do một số hạng mục, chi phí chưa được tính toán chi tiết, chỉ tạm tính để dự trù vốn đầu tư, cụ thể như: hệ thống thải tro, xỉ theo phương án thải xỉ ướt hoặc khô, chi phí dịch vụ tư vấn nước ngoài, chi phí kiểm tra chất lượng vật liệu, đánh giá hồ sơ dự thầu, chi phí đi vay đối với nguồn vốn vay nước ngoài, chi phí nghiệm thu… Ngoài các sai sót nêu trên, KTNN còn phát hiện thiết kế cơ sở điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-EVN của EVN có nội dung móng ống khói không phù hợp giữa thiết kế và dự toán làm sai giá trị TMĐT.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán có nhiều sai phạm với tổng giá trị lớn: một số vật tư, thiết bị thay đổi đặc tính kỹ thuật so với hợp đồng EPC, chênh lệch gần 179 tỷ đồng; thanh quyết toán bể chứa nước hạng mục bãi xỉ khi chưa phê duyệt điều chỉnh dự toán cho phù hợp với giá trị hơn 7,9 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh quyết toán sai quy định phần xây dựng và quy hoạch 681 triệu đồng…

Lãng phí 3,3 triệu USD phí bảo hiểm tín dụng

KTNN đã xác định, Ban QLDA hạch toán chưa đúng nguồn vốn Dự án và chưa giảm một số khoản chi phí với giá trị gần 62 tỷ đồng. Việc EVN và Genco1 ghi nhận chi phí đầu tư và giải ngân gần 35.303 tỷ đồng, vượt TMĐT gần 6.057 tỷ đồng là không tuân thủ đúng theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, theo KTNN, Ban QLDA đã thanh toán một số chi phí đầu tư ngoài TMĐT lên tới hơn 3.308 tỷ đồng.

Theo báo cáo của KTNN, Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 là dự án sử dụng vốn vay ODA đã có bảo lãnh của Chính phủ nhưng vẫn mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 5% (tính trên tổng nợ gốc và lãi phải trả) và thanh toán phí bảo hiểm một lần không theo quá trình giải ngân thực tế. Đến hết thời điểm giải ngân, chủ đầu tư không rút hết giá trị khoản vay cam kết của hai hợp đồng vay vốn nước ngoài số tiền 99,6 triệu USD, làm lãng phí 3,3 triệu USD tiền phí bảo hiểm tín dụng với Ngân hàng Societe Generale. Mặc dù EVN đã có văn bản đề nghị giảm phí bảo hiểm, nhưng đến thời điểm kiểm toán, đơn vị bảo hiểm vẫn chưa nhận được văn bản phúc đáp. EVN cũng chưa đề xuất, trình Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền thống nhất về cơ chế cho vay lại đối với hợp đồng tín dụng của Dự án. Ngoài ra, phí cho vay lại được Genceo1 trả cho EVN đến 30/6/2016 chưa được phê duyệt trong TMĐT hơn 86 tỷ đồng.

Qua kết quả kiểm toán, KTNN đã chỉ rõ sai phạm trong tỷ lệ nguồn vốn theo quy định đầu tư. Cụ thể: EVN phê duyệt điều chỉnh TMĐT tại Quyết định số 145/QĐ-EVN là gần 29.246 tỷ đồng, với cơ cấu nguồn vốn vay thương mại trong và ngoài nước là 85% và vốn đối ứng của ENV là 15%. Tuy nhiên KTNN xác định, trên thực tế tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn lại không đảm bảo, vốn vay thương mại trong và ngoài nước chiếm đến 93,56%, trong khi vốn đối ứng của EVN chỉ đạt 6,43%, thấp hơn rất nhiều so với quy định.

Không đảm bảo yếu tố môi trường

Theo đánh giá của KTNN, việc EVN phê duyệt, điều chỉnh Dự án khi chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo tác động môi trường là chưa thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường. Mặt khác, trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở, EVN cũng không gửi báo cáo đầu tư đến Bộ Công thương tham gia ý kiến. Điều này cũng có nghĩa là EVN chưa tuân thủ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Công văn số 1370/BCT-NL của Bộ Công thương về ủy quyền thẩm định, phê duyệt đối với các dự án nhiệt điện than.

Theo thiết kế cơ sở và Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án sử dụng phương án thải tro, xỉ ướt. Mặc dù vậy, khi thương thảo hợp đồng EPC, chủ đầu tư lại đồng ý cho nhà thầu thải tro, xỉ khô, đây là phương án chưa được báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi dự án hoàn thành, Ban QLDA mới lập hồ sơ điều chỉnh trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Tổng Cục môi trường chấp thuận, trong khi đó Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa chấp thuận các thay đổi này.

Tháng 01/2016 Dự án được đưa vào vận hành, nhưng đến thời điểm kiểm toán (10/2016), Ban QLDA vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, cấp giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành như xả thải vào nguồn nước; cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển… Trước đó, vào hai ngày 17/2/2016 và 07/3/2016, khi khởi động lò bằng dầu FO, hệ thống xử lý bụi, khí thải chưa được đưa vào vận hành nên đã làm phát sinh chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy; thiết kế cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát ở vị trí không thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Xử lý tài chính và rút kinh nghiệm trong quản lý

Từ kết quả kiểm toán nêu trên, KTNN đề nghị Ban QLDA xử lý tài chính hơn 4.516 triệu đồng (trong đó, giảm trừ thanh toán hơn 681 triệu đồng) và các kiến nghị xử lý khác hơn 4.515 triệu đồng. KTNN cũng kiến nghị Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thương thảo với nhà thầu EPC về một số vật tư, thiết bị không đúng theo hợp đồng với số tiền gần 179 tỷ đồng; xác định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt doanh thu chạy thử bù trừ chi phí chạy thử hơn 438 tỷ đồng để làm cơ sở ghi nhận chi phí đầu tư Dự án.

Riêng EVN cần tiếp tục phối hợp, làm việc với đơn vị bảo hiểm, đề nghị giảm phí bảo hiểm tương ứng với số tiền giải ngân để giảm chi phí đầu tư cho Dự án. Nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc thanh toán một số chi phí đầu tư, các khoản chi phí đi vay nước ngoài không nằm trong TMĐT đã được phê duyệt; thẩm định Dự án chưa đầy đủ các nội dung theo quy định; chưa tuân thủ các phương án về đánh giá tác động môi trường và gửi báo cáo đến các đơn vị liên quan theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

KTNN cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo, kiểm tra làm rõ việc EVN và các đơn vị liên quan thanh toán một số chi phí đầu tư, các khoản chi phí đi vay nguồn vốn nước ngoài vượt TMĐT gần 6.057 tỷ đồng; thương thảo, ký hợp đồng tín dụng nước ngoài với phí bảo hiểm cao trong khi khoản vay này đã có bảo lãnh của Chính phủ; chưa báo cáo với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế cho vay lại đối với Dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép hoạt động cho các công trình bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành Dự án; chỉ đạo Tổng Cục môi trường kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chấp thuận phương án điều chỉnh xả thải tro, xỉ ướt sang tro, xỉ khô không đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng cần tăng cường vai trò cơ quan quản lý bảo lãnh chính phủ trong việc trình Chính phủ các dự án vay vốn nước ngoài được xem xét cấp bảo lãnh nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần trình Chính phủ về việc xem xét không cấp và thu phí bảo lãnh đối với các dự án vay vốn nước ngoài do chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về khoản vay và có hợp đồng bảo hiểm. Quy định này sẽ giúp giảm nợ công và đảm bảo hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tín dụng.

NGUYỄN LY
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018
Cùng chuyên mục
  • Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội -  Thái Nguyên (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư cao, chất lượng thấp
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (gọi tắt là Dự án) được hình thành để tạo nên một tuyến mới tăng cường năng lực giao thông cho Quốc lộ 3; tăng cường giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa giữa hai tỉnh thành nói riêng cũng như các tỉnh phía Bắc và cả nước nói chung. Với tổng mức đầu tư hơn 10.004 tỷ đồng, Dự án được thiết kế là đường cao tốc 100km/h, chạy qua địa phận các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (TP. Hà Nội); thị xã Từ Sơn và huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Toàn bộ Dự án được thông xe vào tháng 01/2014, bàn giao hạng mục công trình hoàn thành ngày 31/7/2015. Mặc dù có tổng mức đầu tư lớn, được Chính phủ quan tâm, nhưng trong quá trình thực hiện, Dự án vẫn xảy ra hàng loạt sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình.
  • Kiểm toán Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ III - Thiếu chặt chẽ trong quản lý tiến độ và chi phí đầu tư
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Cùng với những bất cập trong thẩm định, phê duyệt đầu tư và bố trí vốn cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (Dự án), KTNN đánh giá, những hạn chế trong quản lý tiến độ và quản lý chi phí đầu tư đã làm ảnh hưởng nhiều đến tính kinh tế của Dự án.
  • ICAEW: Năm 2018, các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng ở mức 5%
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á mới nhất của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á năm nay được kỳ vọng đạt mức vừa phải, vì sẽ khó có khả năng theo được đà tăng trưởng đột biến của năm 2017. Đối với khu vực ASEAN, tăng trưởng được dự báo đạt mức 5% nhờ vào một số nhân tố như đầu tư vào khu vực tư nhân và nhu cầu nội địa.
  • Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán nợ công”
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 30/3, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) phối hợp với KTNN Chuyên ngành II tổ chức Tọa đàm: “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán nợ công”.
  • Kiểm toán muốn nâng cao hiệu quả các dự án môi trường tại Việt Nam
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc phát triển phát triển công nghiệp, kinh tế phải gắn liền với giảm thiểu tác động xấu lên môi trường. Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung nhiều hơn vào kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả các dự án đầu tư về môi trường.
Hàng loạt sai phạm tại Dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1