Hàng loạt sai phạm tại Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - Với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án) được triển khai trên địa bàn 07 tỉnh, thành phố miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, gồm:An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.



Mục tiêu của Dự án là nhằm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho khoảng 60.000 hộ gia đình; cải thiện vệ sinh môi trường cho 35 trường học; kiểm soát mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, tiêu úng, tiêu chua, kiểm soát lũ, lấy phù sa, đảm bảo tưới tiêu cho 101.800 ha đất tự nhiên, trong đó có 85.700 ha đất nông nghiệp; cải thiện giao thông đường thủy và môi trường cho các địa phương. Thời gian thực hiện Dự án theo quy định là từ 2011-2016.

Với tổng mức đầu tư hơn 4.352 tỷ đồng và nhiều mục tiêu quan trọng đề ra, Dự án hứa hẹn mang lại sự đổi thay cho người dân thuộc 07 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, Dự án đã bộc lộ hàng loạt sai sót, bất cập như: khảo sát sai làm tăng vốn đầu tư, nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng, không tuân thủ Luật Đấu thầu, nhiều gói thầu chậm tiến độ…

Bổ sung, điều chỉnh nhiều dự án vì khảo sát, lập dự toán không sát thực tế

Theo Báo cáo kiểm toán của KTNN, ngay từ khâu phê duyệt đề cương, dự toán khảo sát, Dự án đã bộc lộ nhiều sai sót, cụ thể như: Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) tỉnh An Giang lập thiếu khối lượng khảo sát địa hình, dẫn đến việc phải phê duyệt, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với quy định. Do công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế không sát với điều kiện thực tế, có đến 08 cây cầu thuộc vùng Quản Lộ, Phụng Hiệp, tỉnh Bạc Liêu phải điều chỉnh thay đổi cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Đơn vị tham vấn khi khảo sát, lập dự án đầu tư Tiểu dự án Hợp phần cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn thành phố Cần Thơ không tổ chức lấy ý kiến cộng đồng cư dân nơi xây dựng hệ thống cấp nước, dẫn đến tình trạng quy mô, công suất các trạm cấp nước chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của các hộ dân. Tính đến tháng 7/2015, mới có 83,7% hộ dân đấu nối sử dụng hệ thống cấp nước. Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, đơn vị tư vấn cũng khảo sát không chính xác hệ thống cấp nước liên xã và số hộ dân có nhu cầu sử dụng nước, dẫn đến việc phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế trong thực tế thi công. Trung tâm nước sạch tỉnh Sóc Trăng cũng phải điều chỉnh tăng hơn 2,3 tỷ đồng do khảo sát sai, phát sinh khối lượng các công trình cấp nước thuộc vùng Long Phú và Vĩnh Tân...

Từ hàng loạt các thiếu sót trong khảo sát và thiết kế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và chi phí các gói thầu cũng phải điều chỉnh theo. Cụ thể: tại Tiểu dự án 1 do Ban QLDA tỉnh Sóc Trăng quản lý, KTNN đã đề nghị giảm giá trị 06 gói thầu là 6,4 tỷ đồng; 05 gói thầu thuộc Tiểu dự án 2 giảm hơn 1,3 tỷ đồng. Đối với công tác lập dự toán, các đơn vị tư vấn tính khối lượng không đúng theo hồ sơ thiết kế thi công và áp dụng định mức, đơn giá không đúng theo quy định của nhà nước, KTNN đã xác định giảm giá trị dự toán 18,4 tỷ đồng.

Nhiều sai sót trong đấu thầu và ký kết hợp đồng

Theo kết luận của KTNN, chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị liên quan đã có nhiều sai sót trong công tác mời thầu, xét thầu, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Tiên lượng đính kèm hồ sơ mời thầu của nhiều gói thầu thuộc Dự án được các chủ đầu tư, Ban QLDA lập không chính xác. KTNN phát hiện và giảm trừ dự toán hợp đồng do các bên mời thầu mời khối lượng lớn hơn so với thiết kế bản vẽ thi công 7,4 tỷ đồng.

Giá trị dự toán gói thầu của 06 hạng mục cống dẫn nước thuộc Tiểu dự án 1, và 05 gói thầu thuộc Tiểu dự án 2 thuộc Ban QLDA tỉnh Sóc Trăng được phê duyệt không chính xác, dẫn đến việc dự toán các gói thầu sau khi kiểm tra tính toán lại đều thấp hơn so với giá trúng thầu được phê duyệt. Hình thức hợp đồng của 6/6 công trình thuộc Trung tâm Nước sạch tỉnh Kiên Giang được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu (hợp đồng trọn gói) không phù hợp với mẫu hợp đồng của WB, phải điều chỉnh lại hình thức hợp đồng. Bên cạnh đó, hình thức hợp đồng 02 gói thầu khác được Ban QLDA Kiên Giang ký kết với nhà thầu cũng không phù hợp với quy định phê duyệt kế hoạch đấu thầu... Hợp đồng thuê tư vấn thiết kế, lập dự toán được kí giữa Ban QLDA tỉnh Sóc Trăng với nhà thầu không tuân thủ theo mẫu Hợp đồng tư vấn của Bộ Xây dựng, nội dung không có các quy định ràng buộc nhà thầu khi có sai phạm, do đó chủ đầu tư không thể xử phạt những thiệt hại do nhà thầu gây ra trong công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán.

Theo quy định, đối với các hợp đồng xây lắp được thực hiện theo hình thức đơn giá cố định thì khối lượng thi công được nghiệm thu theo bản vẽ thiết kế và hoàn công. Tuy nhiên, các ban QLDA và tư vấn giám sát đã nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng xây lắp cho các nhà thầu thi công, do đó, KTNN xác định giảm trừ thanh quyết toán hơn 8,6 tỷ đồng.

Chậm tiến độ, chất lượng công trình không đảm bảo

Đến thời điểm hiện tại, Dự án vẫn chưa hoàn thành toàn bộ. Trong quá trình triển khai, các nội dung thi công của từng năm đều chậm tiến độ: Năm 2012, do phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế Hợp phần 2 nên thời gian nộp hồ sơ để WB kiểm tra chậm 5 tháng so với quy định; thời gian nộp hồ sơ mời thầu cho các gói thầu thuộc Hợp phần 3 cũng chậm 6 tháng. Năm 2013, công tác thi công các mô hình thí điểm, chương trình vận hành và bảo dưỡng, công trình thủy lợi... đều chậm so với kế hoạch. Năm 2014, công tác tuyển chọn tư vấn giám sát và đánh giá chủ đầu tư thực hiện bị chậm 12 tháng so với yêu cầu; tiến độ thực hiện Hợp phần 1 đã được khắc phục nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu do công tác đấu thầu chậm trễ ở các gói nghiên cứu kỹ thuật, cũng như việc triển khai 6 mô hình thí điểm về hiệu suất dùng nước...

Báo cáo kiểm toán cũng nêu rõ, nhiều hạng mục, gói thầu thuộc Dự án còn chậm bàn giao, đưa vào sử dụng theo quy định của Hợp đồng. Cụ thể: 06 gói thầu thuộc Trung tâm Nước sạch Kiên Giang quản lý chậm bàn giao từ 1,5 - 2,5 tháng; 07 gói thầu thuộc Ban QLDA tỉnh Sóc Trăng quản lý chậm 3 - 9 tháng; 07 gói thầu thuộc Trung tâm Nước sạch tỉnh Sóc Trăng quản lý chậm 4 - 13 tháng… Nguyên nhân chậm tiến độ được lý giải là do công tác giải phóng mặt bằng bị kéo dài, công tác khảo sát chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, lập dự toán và lập biện pháp thi công chưa phù hợp với thực tế thi công tại một số tiểu dự án.

Điều đáng nói, không chỉ xảy ra sai sót trong các khâu chuẩn bị, mà trong quá trình thực hiện thi công, nghiệm thu, thanh toán, Dự án cũng có nhiều sai phạm. KTNN đã phát hiện chất lượng của các gói thầu không đảm bảo ở nhiều hạng mục tại một số công trình đang trong thời gian bảo hành do Ban QLDA Sóc Trăng quản lý. Tại Gói thầu số 03/XL thuộc Tiểu dự án cung cấp nước và vệ sinh nông thôn tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát đều thiếu kiểm tra, rà soát khối lượng nghiệm thu, dẫn đến việc thanh toán sai khối lượng khâu nối ren, chênh lệch với khối lượng xác định theo hồ sơ hoàn công hàng chục nghìn cái (thanh toán 15.514 cái, trong khi xác định theo hồ sơ hoàn công chỉ 32). Tính đến 31/12/2014, KTNN phát hiện các đơn vị thanh, quyết toán chi phí đầu tư tại các tiểu dự án sai hơn 8,8 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng hơn 8,6 tỷ đồng, sai đơn giá 107,2 triệu đồng, các khoản sai khác 109 triệu đồng…

Nhiều kiến nghị của KTNN chưa được thực hiện

Với hàng hoạt các sai phạm đã nêu ở trên, KTNN đã có những kiến nghị cụ thể đối với Ban QLDA, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Về tài chính, KTNN xác định tổng kiến nghị xử lý tài chính hơn 8,4 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp NSNN là 4,3 tỷ đồng, giảm thanh toán cho các nhà thầu hơn 4 tỷ đồng, các xử lý khác là 109,5 triệu đồng. Ban QLDA các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra sai sót khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ khảo sát thiết kế; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng vượt quá hồ sơ hoàn công; quản lý và kiểm tra tiến độ thực hiện các tiểu dự án.

Năm 2016, gần một năm sau khi phát hành Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án, KTNN đã tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Theo kết luận của KTNN, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán tại Dự án còn thấp, cụ thể:
Đối với kiến nghị xử lý tài chính, tổng số kiến nghị đã thực hiện là 2,2 tỷ đồng, chỉ đạt 26,68% tổng số kiến nghị xử lý tài chính. Trong đó: thu hồi vốn đầu tư các khoản chi sai chế độ nộp NSNN gần 691 triệu đồng, chỉ đạt 14,68% số kiến nghị thu hồi; giảm trừ thanh toán các khoản chi sai chế độ là 1,4 tỷ đồng, đạt 41,07% số kiến nghị.

Nguyên nhân của việc chậm thực hiện xử lý tài chính là do Chủ đầu tư CPO chưa thực hiện nộp NSNN số tiền 3,7 tỷ đồng; Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chưa thực hiện giảm trừ thanh toán Gói thầu số 10, số 12 và số 14; Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng chưa thực hiện giảm trừ thanh toán do giá trị thanh toán thấp (hơn 23 triệu đồng); Trung tâm Nước sạch và vệ sinh nông thôn Hậu Giang chưa gửi các hồ sơ tài liệu chứng minh việc thực hiện kiến nghị giảm trừ khi thanh toán các gói thầu theo kiến nghị của KTNN số tiền 1,2 đồng; tỷ lệ thực hiện kiến nghị có đủ bằng chứng kiểm toán của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Sóc Trăng là 0%, đơn vị này cũng chưa gửi báo cáo và các chứng từ liên quan đến việc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho KTNN.

Đối với kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán, KTNN xác định: Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chỉ mới thực hiện phê bình nhắc nhở hai đơn vị tư vấn do đã lập dự toán sai quy định gây thiệt hại cho các dự án. Các công trình tại Ban QLDA tỉnh Sóc Trăng do đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng nên không thực hiện điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng đã ký, mà giảm giá trị thanh toán tiền bảo hành của nhà thầu thi công theo kết quả kiểm toán.

Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh An Giang, Cà Mau và Trung tâm Nước sạch và vệ sinh nông thôn các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang chưa báo cáo cụ thể việc thực hiện điều chỉnh giá trị hợp đồng với các nhà thầu thi công theo kết luận của KTNN. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 và Trung tâm Nước sạch và vệ sinh nông thôn các tỉnh An Giang, Hậu Giang chưa lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thời gian quy định. UBND các tỉnh thực hiện Dự án chưa có báo cáo cụ thể về việc đẩy nhanh tiến độ thi công phần còn lại tại các tiểu dự án trên địa bàn đưa vào sử dụng và lập Báo cáo quyết toán vốn đầu tư các công trình hoàn thành, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Một số đơn vị chưa thực hiện kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể đã để xảy ra tồn tại, sai sót trong các khâu: lập dự toán, khảo sát, thẩm định, phê duyệt hồ sơ khảo sát, thiết kế, mời thầu, nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng, quản lý tiến độ thực hiện…
KTNN đã đề nghị UBND các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, chủ đầu tư và Ban QLDA các tỉnh, thành phố thuộc Dự án WB6 tiếp tục thực hiện các kiến nghị của KTNN.

THÙY LÊ
Theo Đặc san cuối tháng số 63 ra ngày 25-9-2017
Cùng chuyên mục
Hàng loạt sai phạm tại Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long