Hành động mạnh mẽ để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030

(BKTO)- Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3/2019), sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao và Phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.



Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 trên thế giới là “It’s time!” -“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”- nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm: Mở rộng quy mô tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh lao; Tiếp tục xây dựng trách nhiệm giải trình; Đảm bảo nguồn lực tài chính đầy đủ và bền vững, bao gồm cả cho nghiên cứu; Chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh; Thúc đẩy hành động nhân quyền, lấy người bệnh làm trung tâm.
                
   

Quang cảnh sự kiện- Ảnh: Q. HUY

   

Riêng tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao của năm nay là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”- với mong muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030 (tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm).

Tại sự kiện, PGS,TS. Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh.

Nước ta vẫn nằm trong Top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Ước tính số liệu năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, đến nay chúng ra đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Chúng ta đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam cần duy trì bền vững tất cả những điều kiện hiện nay. Đồng thời, thách thức vô cùng quan trọng trong đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
                
   

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại sự kiện- Ảnh: Q. HUY

   

Tại sự kiện, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có những hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong đó, việc phát hiện và phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, để sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, cần sự chuyển biến nhận thức của cả cộng đồng đối với người mắc bệnh lao; sự chung tay của cả hệ thống, cả cộng đồng, để khi người phát hiện bệnh lao không bị kỳ thị, xa lánh, được làm việc, chữa trị thật tốt…

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương- Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB (Bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3 đến 24h00 ngày 09/5/2019).
                
   

Trao thưởng cho các tác phẩm đạt giải Cuộc thi Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam- Ảnh: Q. HUY

   

Đồng thời, tại sự kiện, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia cũng tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tác về chủ đề “Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”. Cuộc thi đã nhận được gần 100 tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn 20 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Giải đáp vướng mắc trong thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP.
  • Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do KTNN tổ chức sáng 19/3, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện những hạn chế, bất cập trong cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập cũng như vai trò của KTNN trong kiểm toán, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện chính sách tự chủ đối với các trường đại học công lập.
  • Tập trung hơn cho các tiêu chí cốt lõi  trong xây dựng nông thôn mới
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện. Để Chương trình đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi.
  • Hút nguồn lực đầu tư cho vùng  dân tộc thiểu số
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để công tác này tiếp tục chuyển biến, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn giảm nghèo.
  • Tăng cường quản lý lao động nước ngoài:  Phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư và người lao động (NLĐ) nước ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận trình độ, tay nghề của lao động đến từ các nước có nền sản xuất tiên tiến, nhưng đồng thời đặt ra thách thức cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội.
Hành động mạnh mẽ để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030