Hiện đại hóa hạ tầng, "chắp cánh" cho du lịch phát triển

(BKTO) - Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến trong khu vực, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của du khách, ngành du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, nhất là tại các khu du lịch trọng điểm của vùng, quốc gia.

a_trang-16.jpg
Tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng phát triển hạ tầng du lịch. Ảnh minh họa

Phát triển hạ tầng điểm đến để thu hút du khách

“Dù điểm đến có đẹp đến mấy, nhưng hạ tầng xập xệ, thiếu kết nối thì không thể níu chân du khách” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình mở đầu, khi ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hạ tầng du lịch. Theo ông Bình, không chỉ giúp níu chân du khách, hạ tầng du lịch hiện đại còn là “thỏi nam châm” hút nguồn chi tiêu của du khách. Điều này xuất phát từ thực tiễn, khi du khách chọn đi du lịch là chọn điểm đến để khám phá sự mới lạ, nhưng cũng chọn nơi để chi tiêu, thụ hưởng những tiện ích tại điểm đến. “Điểm đến mà sơ sài, thiếu tiện ích thì lấy gì để du khách chịu bỏ tiền ra” - ông Bình lưu ý.

Xác định rõ vai trò quan trọng của hạ tầng du lịch, trong những năm qua, ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp, địa phương không ngừng xây dựng điểm đến hiện đại, tiện nghi trong mắt du khách. Từ sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, các doanh nghiệp, hệ thống điểm đến có quy mô tầm cỡ quốc tế, quốc gia và của vùng đã hình thành với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng.

Đến hết năm 2023, cả nước có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 780.000 buồng, tăng 3.000 cơ sở so với năm 2022. Có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng (tăng 26 cơ sở với 6.579 buồng) và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng (tăng 28 cơ sở với 5.014 buồng). “Việc đầu tư cho hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao đã đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho ngành du lịch. Nhờ đó, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu nghỉ dưỡng có chất lượng tốt” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Không chỉ mở rộng về quy mô, chất lượng, dịch vụ tại các điểm đến trong nước ngày càng được khẳng định. Nhiều điểm đến đã được vinh danh. Điển hình như mới đây, Giải thưởng Readers Choice Awards (Giải bạn đọc bình chọn) lần thứ 17 đã vinh danh Phú Quốc xếp thứ 6/10 đảo tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 10/10 thành phố tốt nhất khu vực, cùng 5 khách sạn trong Thành phố được vinh danh… Trước đó, trong số 25 điểm đến nổi tiếng nhất thế giới do du khách từ khắp nơi trên thế giới của trang web du lịch Tripadvisor bình chọn cho năm 2023, TP. Hà Nội ở vị trí 17/25. Ở hạng mục 25 khách sạn tốt nhất thế giới, khách sạn Lotte Hotel Hà Nội đứng thứ 13/25…

Du lịch còn nhiều dư địa để phát triển, nếu được đầu tư tốt. Do đó, cần tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng phát triển hạ tầng du lịch theo hướng tăng cường liên kết giữa các ngành, các vùng và với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Theo các chuyên gia về du lịch, sự vinh danh các điểm đến, trong đó có dấu ấn rất lớn của hạ tầng du lịch đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này với sự phát triển của ngành du lịch. “Không chỉ là giải thưởng, đó còn là sự ghi nhận của bạn bè quốc tế đối với du lịch Việt Nam, cũng như khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt” - chuyên gia du lịch Trương Sỹ Vinh cho biết.

Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Có thể thấy, hệ thống điểm đến ngày càng mở rộng, cùng với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật trên phạm vi cả nước đã tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu, một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành du lịch từ nay đến năm 2030, đó là cải thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là các vùng du lịch trọng điểm, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch. “Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm, như: Chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long; hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa… Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ so với tiềm năng, thế mạnh và kết quả phát triển du lịch hiện nay” - ông Siêu cho biết.

Chung ý kiến trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam với thế mạnh là đường bờ biển dài hơn 3.200km, trên 120 bãi biển lớn nhỏ… nếu được đầu tư tốt về hạ tầng, chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sẽ cất cánh. Trong đó, ngành du lịch cần chọn đầu tư theo chiều sâu, tập trung vào những điểm du lịch tiềm năng, tránh dàn đều thiếu sức hấp dẫn.

Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, xu thế hướng đến của du lịch Việt Nam là phải phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á. Để làm được điều này, cần xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho điểm đến, chú trọng các điểm đến của quốc gia và địa phương nơi có những khu, điểm du lịch thu hút đông du khách quốc tế.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển mảng bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài. Các dự án được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam. Từ đó, du khách sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn./.

Cùng chuyên mục
Hiện đại hóa hạ tầng, "chắp cánh" cho du lịch phát triển