Đội tuyển bóng chày New Zealand tới giao lưu tại Zimbabwe vào năm 2015Ảnh: ST
Báo cáo kiểm toán đã được chuyển tới ban lãnh đạo ZC trong cuộc họp thường niên vào trung tuần tháng 9 vừa qua. Ban lãnh đạo này mới được bầu vào tháng 8/2015, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã tiêu tới 5,2 triệu USD và báo cáo rằng đây là chi phí công tác. Tuy nhiên, các kiểm toán viên cho biết, tất cả 7 chuyến công tác của ZC trong năm vừa qua, bao gồm cả các chuyến đi nước ngoài đều đã có các nhà tài trợ lo kinh phí. Những chuyến tham dự Cúp Bóng chày thế giới (Cricket World Cup) tại Australia năm 2015 của ZC cũng được Liên đoàn Bóng chày quốc tế (ICC) lo toàn bộ chi phí...
Trong năm 2015, ZC đã ký hợp đồng với Công ty Tiếp thị thể thao của Bangladesh Total Sport Marketing (TSM). Theo đó, TSM sẽ tài trợ kinh phí và đảm nhận công tác truyền thông cho ZC cũng như những đội khách mời của Hiệp hội. Đổi lại, TSM được thu lợi nhuận từ việc quảng cáo, truyền thông trong các sự kiện thể thao của ZC.
Cũng trong khoảng thời gian này, đội tuyển bóng chày quốc gia Zimbabwe được mời đến Pakistan tham dự một số sự kiện thi đấu giao hữu, tuyên truyền cho môn bóng chày trong khu vực các nước châu Á, thúc đẩy tinh thần hợp tác trong thể thao giữa các nước… Mặc dù Chính phủ và Hiệp hội Bóng chày Pakistan tài trợ toàn bộ chi phí, đồng thời gửi tặng những phần thưởng có giá trị cho đoàn đại biểu và đội tuyển, Zimbabwe vẫn từ chối lời mời vì lo ngại vấn đề an ninh kể từ sau cuộc tấn công khủng bố trên xe buýt chở đội tuyển Sri Lanka tại thành phố Lahore của Pakistan hồi tháng 3/2009.
Sau đó, Zimbabwe đã đón một số đội tuyển bóng chày của các nước đến giao lưu gồm: Pakistan, New Zealand, Ireland, Afghanistan. Là đại diện, chủ nhà Zimbabwe sẽ phải trả các chi phí ăn uống, khách sạn cho tất cả các cầu thủ chính, dự bị, nhân viên đi kèm. Tuy nhiên, các chuyến giao hữu trên đều diễn ra trong thời gian ngắn và thậm chí, có đội tuyển còn tự túc mọi chi phí. Nên, giả sử TSM hoặc các nhà tài trợ khác không hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trên của ZC thì theo tính toán của hãng kiểm toán, tính cả một số chi phí hoạt động khác như chi phí đảm bảo an ninh trả cho các đơn vị cảnh sát trong suốt thời gian đội khách lưu trú tại nước chủ quản, tổng số tiền chi ra không đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, Hiệp hội lại báo cáo đã chi 5,2 triệu USD cho những sự kiện này.
Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra một khoản khác khoảng 3,1 triệu USD được kê khai là chi cho việc “duy trì hoạt động và phát triển môn bóng chày”, tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ số tiền trên đã được chi đúng mục đích và có hiệu quả cho tổ chức.
Trong năm 2015, ZC đã chi tổng cộng gần 18,7 triệu USD. ZC cũng báo cáo rằng Hiệp hội đã vay gần 7 triệu USD từ nhiều ngân hàng và đến nay đang phải trả những khoản lãi vô cùng lớn. Tuy nhiên, một số thành viên trong Ban lãnh đạo ZC lại rất mơ hồ về những khoản vay đứng tên Hiệp hội. Các thông tin về kế hoạch vay và trả nợ của ZC dường như vẫn không được đề cập đến.
Các kiểm toán viên cho biết thêm, trong suốt 5 năm qua, một công ty tư nhân nhỏ kinh doanh thời trang nữ do một quản lý cấp cao của ZC và vợ ông điều hành lại được đảm nhận mọi công việc in ấn cho các hoạt động của Hiệp hội. Không trực tiếp ký hợp đồng với các công ty in ấn chuyên nghiệp, mỗi năm ZC cũng bị thất thoát đáng kể cho đơn vị trung gian này. Đặc biệt, mỗi dịp Zimbabwe tổ chức các trận đấu quốc tế và cần in ấn một loạt sản phẩm như thẻ chứng nhận, vé và các biển quảng cáo, công ty thời trang này lại thu được những khoản tiền rất lớn, đồng nghĩa với số tiền ngân sách của Hiệp hội đã bị thất thoát.
Sau khi Báo cáo kiểm toán trên được công bố, ZC cho biết sẽ sớm tiến hành một cuộc điều tra nội bộ nhằm giải quyết tình trạng “mâu thuẫn, xung đột lợi ích” gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động cũng như tình hình tài chính rối ren của Hiệp hội trong thời gian qua, đồng thời sẽ tiếp tục cho tiến hành các cuộc kiểm toán khác nhằm làm sáng rõ hơn những vụ thất thoát ngân sách vô lý và nghiêm trọng tại cơ quan này.
THANH XUYÊN
(Theo Theindependent và Thestandard)