Hồ Chủ tịch với những vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

(BKTO) - Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau, ngày 03/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Hồ Chủ tịch đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bàn và giải quyết nhiều nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước non trẻ.

ho-chu-tich-voi-nhung-van-de-cap-bach.jpg
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau phiên họp đầu tiên, ngày 03/9/1945. Ảnh sưu tầm

1. Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã xác định đúng những nhiệm vụ cấp bách cần ưu tiên tập trung giải quyết. Hồ Chủ tịch đã chỉ ra 6 vấn đề cụ thể là: Nhân dân đang đói; nạn dốt; tổng tuyển cử; thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tín ngưỡng tự do. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm rất rõ ràng là có thể giải quyết thực hiện được những vấn đề cấp bách đưa ra.

Trước hết, Hồ Chủ tịch thẳng thắn thừa nhận: “Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính”. Đồng thời, Người xác định quyết tâm và chỉ ra rõ phương châm: “Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại.

Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”. Và Người bày tỏ sự tin tưởng: “Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.

2. Cùng với việc chỉ ra chính xác những vấn đề cấp bách, Hồ Chủ tịch đồng thời xác định nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp để thực hiện tích cực, hiệu quả. Như trong chống nạn đói, Người đề nghị mở đợt nhịn đói để lạc quyên và phát động chiến dịch tăng gia sản xuất.

Người đề xuất mở các chiến dịch trên quy mô lớn, như: Chiến dịch chống nạn mù chữ; chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người đề nghị Chính phủ ra tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.

Người cũng nhắc nhở khi thực hiện phải chú ý giữa các giải pháp này có mối quan hệ hữu cơ nên cần tiến hành đồng thời, hài hòa mối quan hệ giữa tuyên truyền giáo dục, với biện pháp hành chính, giữa cố gắng của nhân dân và quyết định kịp thời, nghiêm khắc của Chính phủ, như trong vấn đề cấm hút thuốc phiện.

3. Hồ Chủ tịch luôn cố gắng tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc. Trong các giải pháp thực hiện, Hồ Chủ tịch đều nhấn mạnh đến vai trò, vị trí, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả tích cực của đông đảo nhân dân.

Trong chống nạn đói, Người chỉ rõ: “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Hay như về vấn đề Tổng tuyển cử, Hồ Chủ tịch yêu cầu: “Chúng ta phải có một biện pháp dân chủ.

Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc “Tổng tuyển cử” với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Trong đó, Người chỉ rõ: “Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

4. Hồ Chủ tịch không chỉ làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện những vấn đề cấp bách trên, mà bản thân Người luôn tự giác gương mẫu làm gương sáng cho cán bộ và nhân dân. Trên Báo Cứu quốc số 53, ngày 28/9/1945, đăng bài “Sẻ cơm nhường áo” của Hồ Chủ tịch.

Người viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo.

Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Người thay mặt dân nghèo cảm ơn đồng bào đã cứu đói và bày tỏ sự tin tưởng: “Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ, cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng” việc nhịn ăn cứu đói. Bản thân Hồ Chủ tịch đã tự nguyện, nghiêm túc nhịn ăn để tham gia cứu đói.

Ngay cả khi được dự tiệc chiêu đãi khách quốc tế đúng vào ngày theo quy định cơ quan phải nhịn ăn cứu đói, dù đã được cơ quan thông báo là phần gạo của mình đã được đưa vào hũ gạo cứu đói, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn tự quyết định nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau để thực hiện việc cứu đói.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ hàng đầu “Chống giặc ngoại xâm”, bảo vệ độc lập dân tộc, những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, chính quyền và nhân dân ta trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trên đã góp phần thiết thực củng cố, giữ vững và phát triển Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, để chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc thành công, giành thắng lợi trong 9 năm trường kỳ kháng chiến và chống Mỹ cứu nước, cả nước hòa bình, thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Qua đó để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là với những vấn đề cấp bách trên con đường thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Cùng chuyên mục
Hồ Chủ tịch với những vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa