Năm 2016 sẽ đi vào lịch sử bởi đây là năm đầu tiên số lượng DN thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 DN, đạt con số cao kỷ lục 110.100 DN. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên một 1 triệu DN hoạt động hiệu quả.5 năm qua, DN Việt Nam đã phải chật vật với những nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại, đồng thời “thai nghén” những DN mới tiềm năng. Nhưng cộng đồng DN Việt Nam vẫn chưa định hướng được một diện mạo mới để tạo ra những đột phá về hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập. Trong khi đó, làn sóng hội nhập đang ngày càng mạnh mẽ. Hơn nữa, chỉ trong vòng 3-5 năm tới, cuộc cách mạng công nghệ số mà người ta coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được dự đoán sẽ ập đến rất nhanh. Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất của nền công nghiệp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người. Vị thế địa kinh tế, tài nguyên và lao động rẻ sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Vì vậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, chủ động tái cấu trúc, bắp kịp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và làn sóng toàn cầu hóa là yêu cầu sống còn của các DN Việt Nam. Dự báo, phát triển DN và khả năng tạo công ăn việc làm ngay cả trong những lĩnh vực được coi là lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng sẽ bị đe dọa nếu DN Việt Nam không chuyển kịp. Các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và thâm dụng tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới… với chi phí ngày càng giảm. Thêm vào đó, hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và dôi dư do quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp cần có việc làm trong những năm tới sẽ là áp lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trải qua “cơn lũ quét” của công nghệ, chỉ những nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo mới có thể thành công. Điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn với cả cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Do vậy, mỗi DN Việt Nam cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược đầu tư dài hạn trong 5-10 năm tới. Nếu lệch lạc về định hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ mới thì DN sẽ thất bại.
Hiện nay, song song với việc phát huy lợi thế của nông nghiệp, của du lịch, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, nhưng đó phải là công nghệ cao, công nghệ sạch. Cùng với những cam kết mạnh mẽ về cải thiện, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Đây sẽ là đòn bẩy để định hình đội ngũ doanh nhân Việt, khi đó doanh nhân chỉ còn nghĩ đến thương trường, không phải lo lắng về những khó khăn, bất cập của thể chế, chính sách. Bởi khi môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng thì sẽ không còn đất cho quan hệ xin - cho. Do đó, thay vì đầu tư vào “quan hệ” thì DN, doanh nhân chỉ cần đầu tư cho công nghệ, quản trị chuyên nghiệp và tập trung phát triển thị trường.
Cộng đồng DN Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng tạo việc làm đàng hoàng cho người lao động, làm giàu cho đất nước là sứ mệnh cao cả của các DN trước Tổ quốc, cho nên cộng đồng DN Việt Nam rất mong cả hệ thống chính trị sẽ hậu thuẫn cho doanh nhân thực hiện sứ mệnh này./.
QUỲNH ANH (Ghi)