Hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý tài chính minh bạch, lành mạnh

QUỲNH ANH (thực hiện) | 24/07/2023 14:28

(BKTO) - Tích cực phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong lĩnh vực kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp (DN), trong suốt những năm qua, các ý kiến tư vấn, khuyến nghị mang tính chất gợi mở của KTNN đã giúp nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các đơn vị thành viên ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính theo hướng minh bạch, lành mạnh.

15.jpg
Ngành dầu khí không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý tài chính từ những tư vấn, khuyến nghị kiểm toán. Ảnh sưu tầm

Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính từ những tư vấn, khuyến nghị kiểm toán

Phó Tổng Giám đốc PVN Dương Mạnh Sơn

Đối với DN nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), KTNN thực hiện kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo và thông tin tài chính và đưa ra các kết luận, đánh giá về hoạt động của DN đã góp phần giúp PVN kịp thời xử lý, khắc phục các tồn tại, hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ trong lĩnh vực tài chính theo hướng ngày càng rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo tính tuân thủ, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, bố trí và sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN. Đồng thời, ngăn chặn và hạn chế các phát sinh tiêu cực, lãng phí, vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước từ PVN đến các DN có vốn góp của PVN.

Từ những khuyến nghị của KTNN, PVN đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời hệ thống các văn bản quy định nội bộ trong lĩnh vực tài chính để triển khai và áp dụng đồng bộ từ PVN đến các DN có vốn góp của PVN.

PVN cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo hướng ngày càng minh bạch, rõ ràng, tránh chồng chéo dẫn tới có quan điểm, cách hiểu khác nhau trong cùng một nội dung văn bản gây khó khăn cho DN trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác tự kiểm tra, giám sát từ PVN tới các đơn vị thành viên.

Đặc biệt, PVN liên tục và không ngừng hoàn thiện, đưa ứng dụng công nghệ mới vào công tác quản lý tài chính. Xây dựng và đưa vào vận hành quy trình nghiệp vụ trên hệ thống ERP (SAP) với các phân hệ kế toán tài chính nhằm phát hiện sớm, kịp thời các vấn đề bất cập, dấu hiệu thiếu trung thực, không minh bạch, rõ ràng..., mất cân đối tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh để chủ động có biện pháp quản trị rủi ro, ứng phó và xử lý kịp thời. Phân tích sự khác biệt giữa Chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và Chuẩn mực kế toán Việt Nam trong công tác lập và phát hành báo cáo tài chính để triển khai áp dụng IFRS.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN còn một số vướng mắc về tài chính do các nguyên nhân khách quan liên quan đến các dự án của PVN, các dự án/DN nhận chuyển giao từ Vinashin, quyết toán cổ phần hóa các đơn vị... mà PVN đã báo cáo và kiến nghị tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn xử lý. Do đó, ý kiến của KTNN với các cơ quan chức năng và/hoặc hướng dẫn DN sẽ rất hữu ích nhằm hỗ trợ, tư vấn giúp DN đảm bảo tính tuân thủ, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Kiểm toán nhà nước giúp hoàn thiện quy chế hoạt động, quản trị doanh nghiệp

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Quang Dũng

Là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, TKV thường xuyên nằm trong danh sách các đơn vị được KTNN thực hiện kiểm toán hằng năm. KTNN đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, có nhiều ý kiến tư vấn để TKV ngày càng hoàn thiện hơn về quy chế hoạt động, công tác quản trị DN.

Đối với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, KTNN cũng đã luôn đồng hành cùng DN, có ý kiến phản hồi kịp thời đến các cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ. Bên cạnh đó, qua các đợt kiểm toán, các cán bộ của TKV cũng đã có nhiều cơ hội để được làm việc trực tiếp, trao đổi chuyên môn với các kiểm toán viên, từ đó được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Có thể nói, KTNN có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Đối với các kiến nghị, kết luận, ý kiến tư vấn của KTNN tại các báo cáo kiểm toán, TKV và các đơn vị đã nghiêm túc tiếp thu, thực hiện đầy đủ các nội dung tại các kết luận báo cáo kiểm toán; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai sót nghiêm trọng.

TKV và các đơn vị cũng cập nhật, bổ sung kiến thức kịp thời đối với các hạn chế được KTNN kiến nghị, tư vấn; không ngừng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế nội bộ để tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai các biện pháp: Tăng cường công tác quản trị, tự kiểm tra trong nội bộ Tập đoàn để chủ động phát hiện các hạn chế, sai sót, phòng ngừa rủi ro; phát triển công nghệ thông tin, hướng tới ERP DN (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), đồng bộ hệ thống quản lý từ Tập đoàn tới tất cả các đơn vị thành viên.

Đồng thời, Tập đoàn sẽ thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo để cập nhật các quy định, chế độ chính sách mới của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, lãnh đạo các đơn vị. Đặc biệt là tăng cường trao đổi chuyên môn, tham khảo mô hình hoạt động của các DN tiên tiến để áp dụng tại Tập đoàn.

Khuyến nghị kiểm toán giúp kịp thời nhận diện, xử lý rủi ro tài chính

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh

KTNN là công cụ giúp minh bạch về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách và DN. Kết quả kiểm toán không chỉ trực tiếp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gian lận, tham nhũng, lãng phí mà còn góp phần tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các kết quả kiểm toán cho lãnh đạo DN; cung cấp thông tin cho chủ sở hữu quyết định kế hoạch tài chính, nguồn lực tài chính, tài sản và nguồn lực đầu tư cho DN. Qua đó phát huy vai trò giám sát của chủ sở hữu đối với các đơn vị thành viên...

Trên cơ sở ý kiến tư vấn, khuyến nghị của KTNN, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên thông qua 3 nhóm hoạt động.

Thứ nhất, Tổng công ty đã rà soát các quy chế, quy định từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, phát hiện các quy định trái pháp luật, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản. Từ đó khắc phục những bất cập tồn tại và tìm các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, điều hành của Tổng công ty…

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính đối với các công ty con, đơn vị phụ thuộc, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập. Đồng thời hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính.

Thứ ba, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu phản ánh tình hình huy động vốn như hệ số nợ; các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán như hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán ngay; các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất sử dụng vốn như hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, vòng quay vốn lưu động; các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời như khả năng sinh lời hoạt động, khả năng sinh lời tài sản, khả năng sinh lời vốn chủ.

Từ đó giúp nhận diện rủi ro tài chính của Tổng công ty và các đơn vị thành viên để có biện pháp điều hành, xử lý kịp thời./.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý tài chính minh bạch, lành mạnh