Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

(BKTO) - Hiện nay, mặc dù số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm tỷ trọng khá trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam, song đa phần doanh nghiệp vẫn ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành. Do đó, việc áp dụng các công cụ phát triển bền vững là một hướng đi giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững” mới diễn ra, bà Caroline T.Nyamayemobe - Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết, phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới nhưng họ hiện chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu. Phụ nữ sở hữu 33% trong tổng số doanh nghiệp trên toàn cầu.

20240417_111833.jpg
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UN Women tại Việt Nam tổ chức ngày 17/4, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

Trong khi đó, nếu thực hiện trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP toàn cầu đạt được mức 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như của nam giới, mỗi năm, GDP toàn cầu sẽ tăng lên thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD (tương đương 2 - 3% GDP toàn cầu) và tạo ra từ 288 - 433 triệu việc làm mới.

Tại Việt Nam, bà Caroline T.Nyamayemobe cho biết, theo một số nghiên cứu cho thấy, hiện có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.

Chỉ ra những nguyên nhân chính của thực trạng này, các chuyên gia cho rằng đó là do phụ nữ bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, thị trường; thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn ít các chương trình đào tạo và cơ hội cố vấn để trau dồi kỹ năng cho doanh nhân nữ; cùng với đó, gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình và định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ vẫn còn tồn tại…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đa số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, gặp khó khăn về vốn, công nghệ, quản trị, nên việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là vô cùng khó khăn. Đó là lý do, chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được đánh giá là năng động, tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ thực tế trên, nêu khuyến nghị về giải pháp, bà Caroline T.Nyamayemobe chia sẻ, ở tầm vĩ mô, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn sẽ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Theo đó, việc áp dụng các công cụ phát triển bền vững như chính sách mua sắm có trách nhiệm giới (GRP) và các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) là một trong những giải pháp có thể giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; thu thập và chia sẻ dữ liệu về doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

WEPs do UN Women và Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Liên Hợp Quốc (UN Global Compact) xây dựng và khởi động vào năm 2010. Đến nay, đã có 9.485 công ty toàn cầu, trong đó có 184 công ty Việt Nam tham gia ký ủng hộ WEPs.

Ở cấp độ doanh nghiệp, bà Caroline T.Nyamayemobe khuyến nghị, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nên chú trọng đến việc đổi mới sáng tạo, tìm kiếm nguồn lực, đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tham gia mạng lưới doanh nhân nữ để khai thác sức mạnh chung…

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng, các doanh nghiệp nói chung cần chuyển đổi mô hình, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.

Bởi lẽ, theo ông Cương, hiện nay trên thế giới, các thị trường đã đặt ra nhiều yêu cầu mới mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện. Đơn cử như, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Quy định chống phá rừng (EUDR); Chỉ thị Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (có hiệu lực từ năm 2026)…, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững và có trách nhiệm trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, EU cũng đang xây dựng dự thảo quy định về việc ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả công ty con và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đối với các vấn đề lao động và môi trường…

“Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng xanh đang trở thành xu thế tất yếu, được nhiều quốc gia chú trọng, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần chủ động đề ra chiến lược, kế hoạch hành động để chuyển đổi, bắt kịp xu hướng chung của thế giới, có như vậy doanh nghiệp mới có thể mở rộng thị trường cũng như mới có khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Cương nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, 22 nữ doanh nhân Việt Nam đã tham gia ký ủng hộ WEPs, thể hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã phát động Giải thưởng thực hiện Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ năm 2024 (WEPs Awards 2024), là một sáng kiến của UN Women tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2020.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu