Thu hút nguồn vốn cho Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao

(BKTO) - Việc triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, đóng góp vào tăng trưởng xanh mà còn trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để thực hiện được Đề án có tính đột phá này, vấn đề thu hút nguồn vốn đầu tư cần được nhanh chóng giải quyết…

4-4.jpg
Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao hướng đến mục tiêu đa giá trị. Ảnh ST

Khai thác đa giá trị...

Những năm qua, ngành lúa gạo đang ngày càng khẳng định vị thế là ngành chủ lực của nền nông nghiệp nước ta. Năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỷ USD - tăng 6,2% so với năm 2021. Năm 2023 xuất khẩu gạo lập kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Sản xuất lúa gạo đã có những thành tựu đột phá, tuy nhiên, người nông dân vẫn đối mặt với những áp lực về giá cả bấp bênh. Ngành hàng lúa gạo vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp; tình trạng sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính… 

lua-gao-13082023-01.jpg
Việc triển khai hiệu quả Đề án sẽ đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, cũng như vấn đề an ninh lương thực. Ảnh ST

Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (Đề án), với mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu hécta. 

Đề án đặt mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, Đề án hướng tới xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL. Đáng chú ý, việc triển khai Đề án còn giúp nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, khi ngành nông nghiệp sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ carbon; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị…

“Với mục tiêu phát triển đa giá trị từ sản xuất lúa, việc thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam” - ông Cường cho biết.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Điều này là vô cùng cấp thiết nhằm bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và mục tiêu xuất khẩu.

"Đơn cử như năm vừa qua, trước nhu cầu lương thực tăng cao, gạo Việt đạt kỷ lục về giá bán, nhưng có thời điểm cũng gặp khó khăn về nguồn cung và chất lượng gạo" - ông Sơn dẫn chứng. 

Tập trung huy động nguồn lực lớn cho Đề án

Với những mục tiêu đa giá trị được hướng đến, ngành nông nghiệp đang nỗ lực để sớm đưa Đề án vào triển khai. Trong đó, một vấn đề quan trọng cần được giải quyết ngay, đó là phải huy động nguồn lực lớn cho Đề án; đồng thời có cơ chế huy động doanh nghiệp tham gia vào triển khai Đề án. 

Bộ NNPTNT ước tính tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: Ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hóa; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển và các nguồn hợp pháp khác, trong đó, nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon. 

Hiện, "Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí chọn Đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD" - Bộ NNPTNT cho biết. 

img_20191202_120409.jpg
Đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hóa để triển khai Đề án, từ đó nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Ảnh: N.Lộc

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NNPTNT, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - đánh giá cao Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai Đề án, khi Đề án cùng lúc nhằm ba mục tiêu: Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sống.

WB cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai đề án này; hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường Carbon tự nguyện để có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế. 

Về phía địa phương được chọn triển khai Đề án, lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững. 

Để thu hút các nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải có cơ chế quy định rõ lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia triển khai Đề án. "Đề án sẽ khó thành công nếu thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, bởi đây là vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là động lực để thúc đẩy đổi mới tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa gạo" - ông Lê Quang Tùng (Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam) cho biết. 

Đồng thời, cần tăng cường huy động nguồn lực cho Đề án thông qua hình thức đối tác công - tư; đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hóa và hệ thống hạ tầng thủy lợi để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa gạo, đảm bảo tính khả thi của Đề án để thu hút doanh nghiệp, có cơ chế điều phối hoạt động xuất khẩu gạo để bảo đảm tối đa quyền lợi của người nông dân và ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ NNPTNT sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Dự án vay vốn của WB để triển khai Đề án; chính sách thí điểm, cơ chế trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu hécta lúa và phát thải thấp; đề xuất bổ sung vốn đầu tư công cho Bộ NNPTNT để hỗ trợ các hạng mục của Đề án.

Trong đó, Bộ Tài chính tính toán phương án huy động nguồn vốn thực hiện cho Đề án; đề xuất cơ chế lồng ghép Đề án với các chương trình khác, có thể tương tự như cơ chế thí điểm mỗi địa phương có 2 huyện được phép lồng ghép vốn của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề án chia làm 2 giai đoạn, triển khai tại 12 địa phương vùng ĐBSCL: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu hécta chuyên canh lúa đến năm 2030. Đề án được triển khai ngay từ vụ Đông Xuân 2023 - 2024, với tổng diện tích tham gia khoảng 180.000 hécta. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 mở rộng ra trên 820.000 hécta.

Cùng chuyên mục
  • Tôn vinh 282 doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp nổi bật cho ngành du lịch
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Lễ vinh danh trao Giải thưởng VITA AWARDS cho 282 doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực du lịch.
  • Tìm giải pháp hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển bền vững ngành nông nghiệp được đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức chiều 09/4, tại Hà Nội.
  • PV GAS cung cấp gần 70 nghìn tấn LNG cho EVN
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới, nhất là trong cao điểm mùa khô năm 2024, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã chủ động triển khai và sẵn sàng cung cấp gần 70 nghìn tấn LNG cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bổ sung thêm khoảng 500 triệu kWh cho hệ thống điện từ trung tuần tháng 4/2024.
  • Supe Lâm Thao: Các chỉ số Quý I tăng trưởng ấn tượng
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong Quý I của Supe Lâm Thao đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch quý, tăng 9% so với cùng kỳ.
  • Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, hướng tới tăng trưởng bền vững
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau hơn nửa thế kỷ chuyển mình, ngành thủy sản của nước ta đang vươn lên trở thành mũi nhọn về xuất khẩu thủy sản của thế giới với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt hàng tỷ USD. Như chia sẻ của Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân, toàn ngành đang hướng đến tăng trưởng bền vững, theo chuỗi giá trị và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thu hút nguồn vốn cho Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao