Hỗ trợ doanh nghiệp: Không chỉ trông chờ vào ngân hàng

(BKTO) - Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay vốn. Thế nhưng, ngân hàng cho rằng, một số vướng mắc cần sự chung tay tháo gỡ của nhiều bộ, ngành.

doanh-nghiep.jpg
Các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN vay vốn. Ảnh minh họa

Các ngân hàng đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng ngân hàng, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã tiên phong thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và DN.

vcb.jpg
Tổng Giám đốc VCB Nguyễn Thanh Tùng: VCB tiên phong triển khai có hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ và NHNN để hõ trợ DN. Ảnh: NHNN

VCB chủ động triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các phân khúc, đối tượng ưu tiên như: cho vay ngắn hạn ưu đãi, cho vay khách hàng FDI, cho vay sản xuất kinh doanh ưu đãi DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh…

Về giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng, lũy kế đến hết ngày 30/6/2023, VCB đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242 nghìn lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của VCB.

Thấu hiểu những trăn trở của lãnh đạo Chính phủ, NHNN là làm thế nào để khơi thông dòng vốn cho các DN, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã nghiên cứu xây dựng chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối với DN; thu hút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ)…

BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng DN từ 0,5 - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1 - 1,5%/năm. Từ ngày 11/5/2023, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với mức giảm từ 0,3 - 0,8%/năm. 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã có 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 1,1-1,3%/năm.

bidv-3-.jpg
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú: Việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN không chỉ là chấp hành các chỉ đạo của cấp trên mà còn là cơ hội để  BIDV phát triển kinh doanh, tìm kiếm cơ hội, tiếp cận khách hàng. Ảnh: NHNN

BIDV đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước và là ngân hàng đầu tiên công bố việc phê duyệt cấp tín dụng đối với 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ để triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh các NHTM nhà nước, các NHTM cổ phần tư nhân cũng thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho người vay. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thực hiện Chương trình cho vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng, giảm tối đa 3% so với biểu lãi suất, không giới hạn đối tượng, lĩnh vực. Đến nay, ACB đã giải ngân 2/3 ngân sách chương trình.

ACB đã giảm từ 0,5- 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất. Ngân hàng cũng thực hiện nhiều chương trình kết nối với DN.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, sau hơn 1 năm triển khai, tính đến thời điểm 30/6/2023, ACB đã đạt kết quả khả quan với tổng doanh số giải ngân là 1.529 tỷ đồng, tổng dư nợ các khoản hỗ trợ lãi suất là 647 tỷ đồng…

Cùng với các ngân hàng trên, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tiếp tục triển khai các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng của DN, nền kinh tế; cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hỗ trợ DN, cụ thể là Ngân hàng đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng, mức giảm từ 2-3%.

Chung tay tháo gỡ vướng mắc

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank - cho rằng: VPBank cũng như các ngân hàng đã hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, có những vướng mắc bản thân ngành ngân hàng không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.

vpbank-1-.jpg
Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh: Duy trì chính sách tiền tệ ổn định, đặc biệt là giảm lãi suất điều hành thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng để hỗ trợ thị trường, người dân, DN. Ảnh: NHNN

Cụ thể, theo ông Vinh, khi kinh tế khó khăn, sức khỏe DN giảm sút, dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Toàn nền kinh tế có đến 70-80% DN không đáp ứng được yêu cầu cấp tín dụng, hàng trăm nghìn công nhân thất nghiệp … Vấn đề này cần đặt ra với các cơ quan thiết kế chính sách. “Hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, khổng thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai”- ông Vinh kiến nghị.

Cũng theo ông Vinh, để giảm lãi suất, Thủ tướng, Thống đốc, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành rất nhiều các văn bản kêu gọi, vận động, áp dụng các biện pháp hành chính nhưng gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường. Đó là vấn đề thanh khoản, nếu chúng ta không giữ môi trường kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì điều này sẽ rất khó.

Đối với tài chính tiêu dùng, ông Vinh cho rằng, cần chính sách để triển khai hết các hình thái cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết việc suy giảm tiêu dùng của người dân trong thời gian qua.

Vấn đề nữa mà ông Vinh kiến nghị là cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng bởi người cho vay đang chịu nhiều rủi ro.

hhnh-2-.jpg
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng: Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các TCTD đồng thuận giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NHNN

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất, để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đối với những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành đánh giá đúng thực trạng khó khăn, trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân (như thời điểm dịch Covid-19).

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội, triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đối với DN nhỏ và vừa, rà soát, đánh giá hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đó, bổ sung vốn cho Quỹ này nhằm hỗ trợ DN vay vốn trong trường hợp các DN chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại tổ chức tín dụng. 

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng cho các NHTM như các DN khác để ngân hàng có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ DN; đồng thời cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023./.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp: Không chỉ trông chờ vào ngân hàng