Hỗ trợ nguồn lực cho địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

(BKTO) - Dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng cho khoảng 33 huyện và khoảng 1.327 xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập giai đoạn 2023-2025.

bq.jpg
UBTVQH biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Ảnh: VPQH

Hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã khi sắp xếp

Như tin đã đưa, chiều 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tại phiên họp, 100% các thành viên UBTVQH đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc đối với Dự thảo Nghị quyết này.

Trong quá trình thảo luận nội dung này, vấn đề hỗ trợ kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra

Trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm.

Đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm, khi được UBTVQH quyết định việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2030.

“Định mức hỗ trợ nêu trên đã được Bộ Tài chính cân đối trên cơ sở tính toán số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã dự kiến sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 bảo đảm phù hợp với khả năng của ngân sách trung ương trong điều kiện hiện nay” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của 63 địa phương thì trong giai đoạn 2023-2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 ĐVHC cấp huyện và khoảng 1.327 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chưa tính số ĐVHC thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu). Với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã thì ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng.

Phối hợp thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ khoản ngân sách trung ương hỗ trợ được sử dụng cho những nhiệm vụ chi nào trong quá trình sắp xếp ĐVHC, chưa thể hiện rõ đây là khoản hỗ trợ bổ sung cân đối cho địa phương hay hỗ trợ có mục tiêu.

Mặt khác, Dự thảo nghị quyết đã quy định “kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm” sẽ dẫn tới trùng lặp trong bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản).

Dự thảo Nghị quyết cũng chưa quy định rõ quy trình, thủ tục để xem xét, quyết định việc phân bổ các khoản hỗ trợ này cho các địa phương.

Tạo thuận lợi nhất cho địa phương triển khai thực hiện

Từ góc độ cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc quy định ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách là cần thiết nhằm khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC.

120720230342-manh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo đó, việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thực hiện thanh quyết toán đối với số bổ sung này nên phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ động quyết định theo quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu sắp xếp ĐVHC ở từng địa phương.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách để chỉnh lý quy định của Dự thảo Nghị quyết về khoản hỗ trợ một lần từ ngân sách trung ương cho các địa phương để sử dụng trong thực hiện sắp xếp ĐVHC theo nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN và tạo thuận lợi nhất cho địa phương.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định này theo hướng chỉ đưa mức chi tối đa. Quá trình xây dựng dự toán hàng năm, Quốc hội sẽ quyết định bổ sung mức cụ thể trên cơ sở tổng mức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho từng địa phương…

Thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, đối với nguồn lực hỗ trợ giai đoạn 2023-2025, đây là phần vốn hỗ trợ một lần cho huyện, xã thực hiện sắp xếp lại ĐVHC.

Tuy nhiên, cần tính toán lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đồng thời cần lồng ghép nguồn vốn này với các nguồn vốn khác để phối hợp thực hiện.

Về việc xác định địa bàn hỗ trợ đầu tư sau khi sắp xếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong việc phân loại, xác định địa bàn cần hỗ trợ để việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được hiệu quả.

Nêu quan điểm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nhất trí Vương Đình Huệ nhất trí việc Trung ương cần có hỗ trợ kinh phí nhưng cần tiếp tục rà soát để quy định theo hướng phải được lập dự toán và thể hiện trong dự toán của ngân sách trung ương; không nên lấy trong dự phòng ngân sách trung ương. Trường hợp phân cấp cho địa phương chi tiêu cần quy định rõ trong Nghị quyết để địa phương có cơ sở thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung cần quy định kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với Luật NSNN, đồng thời bảo đảm cho địa phương chủ động sử dụng. Bởi sắp xếp ĐVHC có nhiều việc phải làm, chỉ địa phương mới hiểu rõ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH thống nhất là địa phương bố trí kinh phí để thực hiện sắp xếp ĐVHC và trung ương có nguồn hỗ trợ một lần.

UBTVQH đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sáchphối hợp thiết kế lại quy định này, làm rõ nguồn kinh phí lấy từ đâu, cách lấy như thế nào, có phải lập dự toán không; làm rõ nội dung chi, thẩm quyền và cách chi, để rõ ràng, rành mạch, tạo thuận lợi hơn cho địa phương trong tổ chức thực hiện. Trường hợp phân cấp cho địa phương cũng phải nói rõ thẩm quyền, nội dung chi và cách thức để dễ quyết toán, hạch toán.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ nguồn lực cho địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính