Nhiều bất cập trong quá trình thực thi Luật
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2016, toàn vùng ĐBSH và Bắc Trung Bộ có 5.515 HTX nông nghiệp, chiếm 51,42% tổng số HTX nông nghiệp trong cả nước. Số lượng thành viên của HTX ở khu vực ĐBSH và Bắc Trung Bộ rất đông, trên 2,5 triệu thành viên, đặc biệt có những HTX có trên 3.000 thành viên.

Các đại biểu thăm mô hình nhà kính tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Báo Nhân dân
Cùng với đó, dù số lượng các HTX trong vùng khá lớn song chủ yếu là các HTX cũ trước đây chuyển đổi, đăng ký lại nên hoạt động còn nhiều khó khăn, nội dung hoạt động của các HTX cơ bản không thay đổi, chủ yếu tập trung vào thực hiện các dịch vụ thiết yếu mang tính công ích.
Quy mô sản xuất nông nghiệp của các thành viên nhỏ bé, manh mún nên khó khăn cho các HTX về phương thức hoạt động và cung ứng dịch vụ. Công tác quản lý trong HTX kém hiệu quả, chưa minh bạch; thiếu nguồn lực và hạ tầng phục vụ sản xuất; trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX hạn chế, số cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học chỉ chiếm 20,8%.
Mặt khác, hầu hết các HTX đều thiếu vốn hoạt động. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng của các HTX rất khó khăn do không có tài sản thế chấp và phương án kinh doanh hiệu quả. Nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hạn chế; vốn hỗ trợ từ NSNN đến hết năm 2016 rất thấp, chỉ khoảng 280 tỷ đồng cho công tác đào tạo bồi dưỡng, xúc tiến thương mại...
Cần hoàn thiện khuôn khổpháp lý
Trước những bất cập đặt ra với các HTX hiện nay, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, đặc biệt sớm rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn dưới Luật; tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển; nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ HTX; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Nhà nước về phát triển HTX nông nghiệp và kiểm toán hoạt động của các HTX nhằm thực hiện đầy đủ các quy định và tính minh bạch trong hoạt động của HTX.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền nội dung, quan điểm các quy định trong Luật HTX năm 2012 tới cán bộ, chính quyền và người dân. “Nhiều cán bộ không hiểu rõ về HTX kiểu mới. Bản chất của mô hình là liên kết sản xuất nhưng dựa trên nền tảng là kinh tế hộ gia đình, làm gia tăng giá trị kinh tế hộ gia đình chứ không triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ gia đình” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tới phát triển HTX phải cùng vào cuộc quyết liệt hơn. Trong đó, Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ các ngành nghề ở nông thôn, Nghị định giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ sửa Nghị định 193/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012; tạo thuận lợi cho vay HTX, hộ nông dân trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao; sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Bộ Tài chính sớm sửa đổi Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động của DN, HTX; rà soát, tổng kết và xử lý nợ tín dụng và nợ ngân sách của HTX để tạo điều kiện cho HTX chuyển đổi sang HTX kiểu mới và các mô hình hoạt động khác.
Đối với 16 tỉnh trong vùng, Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu mô hình tổ chức dịch vụ có tính công ích như thủy nông, bảo vệ thực vật, nước sạch, môi trường nông thôn để giúp các HTX tham gia bình đẳng hơn, tốt hơn; khuyến khích các HTX làm dịch vụ đầu ra; khuyến khích phát triển HTX thành DN hoặc thí điểm phát triển DN trong HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012.
THANH TÙNG