Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 1,27%
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách để tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân theo quy định.
Theo đó, chỉ tính riêng năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung như: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; giáo dục và đào tạo; y tế; nhà ở; trợ giúp pháp lý; văn hóa, thông tin.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng việc huy động vốn từ doanh nghiệp, cá nhân và nguồn huy động khác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Nhờ đó, riêng năm 2022 có trên 1.200 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và công trình khác được xây dựng trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trên 500 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hơn 500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được triển khai thực hiện; khoảng 65.000 người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo được đào tạo kỹ năng nghề...
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 trên phạm vi toàn quốc do Bộ LĐTBXH công bố cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%, với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.
Tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,23% năm 2021, trung bình mỗi năm giảm 1,27%. Riêng năm 2022, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với cuối năm 2021, đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, sản xuất và làm kinh tế giỏi. Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả. Nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù vậy, theo Bộ LĐTBXH, thực tế công tác giảm nghèo vẫn còn rất nhiều thách thức. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thiếu sinh kế, việc làm; có thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, khó tiếp cận việc làm.
Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Báo cáo đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 5 năm vừa qua cho biết thêm, tỷ lệ tái nghèo bình quân hơn 3,7%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh trung bình trên 20% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Ở những vùng lõi nghèo, người dân thiếu việc làm, thu nhập vẫn thấp; nhiều xã nghèo thậm chí còn chưa có một sản phẩm hàng hóa nào để cung cấp cho thị trường bởi khó khăn về địa lý và nhận thức của người dân “chỉ cần đủ ăn” là được.
Từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”
Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm từ 1-1,5%. Để thực hiện được mục tiêu này, Thứ trưởng LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Để tạo sinh kế cho vùng lõi nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của người nghèo...
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản...
Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.
Tạo việc làm để gia tăng thu nhập phù hợp với đặc điểm địa lý vùng miền là chìa khóa trong Chiến lược giảm nghèo bền vững.
Những giải pháp trên sẽ góp phần bảo đảm tăng dần mức sống tối thiểu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động./.