Hoàn thiện cơ chế cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

(BKTO) - Việc cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp công lập trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, có một số chương trình, dự án có rủi ro tín dụng, phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn DN, tăng rủi ro đối với ngân sách nhà nước. Do đó, cần hoàn thiện văn bản pháp luật để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng đối với việc cho vay lại, nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

12.jpg
Cầu Nhật Tân (Hà Nội), công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: ST

Còn vướng mắc trong việc cho vay lại vốn ODA

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc quản lý hoạt động cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí. Từ năm 2017, theo Luật Quản lý nợ công, việc cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ được quy định chặt chẽ hơn; quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay lại rõ ràng và minh bạch hơn nhằm tăng cường trách nhiệm sử dụng vốn của người vay lại trong việc xây dựng dự án, tính toán khả năng trả nợ…

Cơ cấu nợ của Việt Nam 10 năm qua cho thấy, vốn ODA ngày càng ít, Chính phủ cần cân đối cơ cấu nợ, quản lý chi phí và rủi ro một cách hiệu quả, đặc biệt thông qua việc tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các khoản vay nhằm giảm thiểu rủi ro cho vay của Chính phủ và giảm nợ xấu.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay lại với DN và đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) khoảng hơn 200.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 8 tỷ USD), chủ yếu đầu tư vào ngành năng lượng và điện chiếm khoảng 67%; ngành giao thông (đường cao tốc, cảng biển…) chiếm khoảng 23%; các lĩnh vực như cấp thoát nước, vệ sinh môi trường khoảng 6%; các ngành khác trong đó có nông nghiệp, giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế khoảng 4%. Việc trả nợ của các DN, ĐVSNCL được đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, có một số chương trình, dự án gặp khó khăn, có rủi ro tín dụng, không trả được nợ, phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn DN, tín dụng quốc gia, tăng rủi ro đối với ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia quốc tế và đại diện cơ quan được ủy quyền đánh giá, công tác quản lý cho vay lại với DN và ĐVSNCL vẫn còn vướng mắc. Cụ thể là, việc quản lý cho vay lại đối với ĐVSNCL gặp khó khăn về tài sản thế chấp và việc thẩm định khả năng trả nợ dẫn đến việc không thể hoàn tất ký kết hợp đồng cho vay lại mặc dù hiệp định vay đã ký. Các dự án cho vay lại đối với DN cũng gặp khó khăn trong triển khai do vướng mắc trong việc hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước (như xác định cơ quan chủ quản của các DN nhà nước là thành viên của các tập đoàn, tổng công ty; xác định cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng).

Bên cạnh đó, việc xử lý rủi ro cho vay lại gặp một số vấn đề, như: Các cơ quan chủ quản dự án vay lại trước đây sau khi cổ phần hóa nay không còn trách nhiệm đối với dự án, dẫn đến không hoàn tất được thủ tục để xây dựng phương án xử lý nợ quá hạn theo quy định hiện hành. Một số DN chưa nghiêm túc, chây ỳ trong việc trả nợ Chính phủ...

Hoàn thiện văn bản pháp luật

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro vĩ mô gia tăng so với thời kỳ trước, như: Rủi ro tăng trưởng kinh tế chững lại, mặt bằng lãi suất gia tăng, rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng, cũng như chi phí gia tăng do dân số bị già hóa... Trong khi đó, các nhà tài trợ nước ngoài đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Vì vậy, việc kiểm soát rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay là cần thiết. Ông Arne Fraemk - Cố vấn trưởng kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) – cho rằng: Cơ cấu nợ của Việt Nam 10 năm qua cho thấy, vốn ODA ngày càng ít, Chính phủ cần cân đối cơ cấu nợ, quản lý chi phí và rủi ro một cách hiệu quả, đặc biệt thông qua việc tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các khoản vay nhằm giảm thiểu rủi ro cho vay của Chính phủ và giảm nợ xấu.

Hơn nữa, hoạt động tín dụng, cho vay là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro. Mặc dù trước khi quyết định cho vay, các tổ chức tài chính tín dụng - cơ quan được ủy quyền cho vay lại của Chính phủ đã thực hiện các khâu thu thập, xử lý, phân tích và thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng vẫn chưa thể loại bỏ được rủi ro tín dụng. Trong khi đó, điều kiện đặc thù của Việt Nam là nợ vay lại và bảo lãnh chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng nợ vay nước ngoài của Chính phủ và nợ công. Đến nay, tỷ lệ cho vay lại các chương trình, dự án theo nhóm 3 (khoản vay có nợ quá hạn từ 2 đến 3 kỳ trả nợ), nhóm 4 (khoản vay có nợ quá hạn từ 4 kỳ trả nợ trở lên), nhóm 5 (khoản vay không có khả năng trả nợ) chiếm khoảng 3% tổng dư nợ, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản nợ này kéo dài trong nhiều năm. Có những dự án phát sinh nợ xấu trước khi có Luật Quản lý nợ công năm 2009, có dự án phát sinh nợ trước Luật Quản lý nợ công sửa đổi năm 2017.

Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế vay và cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các chuyên gia về các rủi ro, khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro tín dụng đối với việc cho vay lại, đồng thời xây dựng các phương án xử lý rủi ro đối với các khoản vay về cho vay lại, nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện cơ chế cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài