Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động trung gian thanh toán

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT).

trung-gian-thanh-toan.jpg
Việc  xây dựng Thông tư hướng dẫn vừa tạo điều kiện phát triển các dịch vụ TGTT mà vẫn đảm bảo vai trò quản lý, giám sát của NHNN. Ảnh TL

Sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo NHNN, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (Thông tư 39) ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ TGTT (đã được sửa đổi, bổ sung) được ban hành và có hiệu lực trong thời gian qua đã từng bước hoàn thiện các quy định liên quan đến việc cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT, tạo điều kiện cho việc triển khai chính thức các dịch vụ TGTT trên thị trường.

Mặc dù dịch vụ TGTT đã được quy định tại Luật NHNN năm 2010, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhưng phải đến khi Thông tư 39 được ban hành và có hiệu lực (trong đó quy định cụ thể về 6 loại dịch vụ TGTT, mẫu Đơn đề nghị cấp Giấy phép, việc sử dụng giấy phép, trách nhiệm của các đơn vị, Vụ, Cục thuộc NHNN trong việc cấp Giấy phép, quản lý hoạt động TGTT...), NHNN mới bắt đầu thực hiện các thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT cho các tổ chức không phải là ngân hàng.

Thông tư 39 cũng là cơ sở pháp lý để các tổ chức triển khai cung ứng hoặc hợp tác với các bên cung ứng dịch vụ TGTT (sau khi được NHNN cấp Giấy phép); đồng thời là cơ sở để NHNN thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT; từng bước đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, cùng với yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử gần đây đòi hỏi hành lang pháp lý cho hoạt động TGTT cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn, cũng như làm cơ sở để công tác quản lý, giám sát hoạt động TGTT của NHNN ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn.

Việc xây dựng Dự thảo Thông tư đảm bảo phù hợp và kịp thời hướng dẫn các chính sách mới quy định tại Dự thảo Nghị định về TTKDTM; thống nhất, phù hợp với tổng thể dự thảo các thông tư hướng dẫn Nghị định mới đang được NHNN nghiên cứu, xây dựng; đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp lý khác có liên quan như: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Dự thảo Luật Căn cước công dân, các quy định về quản lý ngoại hối, các văn bản pháp lý khác có liên quan.

Việc ban hành hướng dẫn nhằm giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn liên quan đến việc thực hiện dịch vụ TGTT, qua đó vừa tạo điều kiện phát triển các dịch vụ TGTT mà vẫn đảm bảo vai trò quản lý, giám sát của NHNN.

Bổ sung, cập nhật, làm rõ nhiều nội dung

Dự thảo Thông tư bổ sung, cập nhật những nội dung mới được đề cập tại Dự thảo Nghị định về TTKDTM, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo cũng quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của Thông tư là không hướng dẫn các loại tài khoản do tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ mở cho khách hàng chỉ để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ trong chính hệ thống của tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó.

Liên quan đến vấn đề trên, NHNN cho biết, theo báo cáo của một số tổ chức TGTT, hiện nay, thị trường có một số tổ chức (như các công ty cung cấp trò chơi trực tuyến, dịch vụ vận tải, công ty chứng khoán…) thực hiện mở tài khoản dịch vụ/tài khoản giao dịch cho khách hàng; đồng thời cho phép khách hàng nạp tiền và sử dụng tài khoản này để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ của công ty, nhưng pháp luật không có quy định, hướng dẫn. Đây là những tài khoản dịch vụ/tài khoản giao dịch mà đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ mở cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán trong chính hệ thống của mình, không phải phương tiện thanh toán sử dụng rộng rãi.

Vì vậy, Dự thảo Thông tư nêu rõ phạm vi quy định của Thông tư là không bao gồm các loại tài khoản này. Quy định này tại Dự thảo Thông tư được áp dụng thống nhất, tương đồng với nguyên tắc NHNN không quản lý các loại thẻ/phiếu mua hàng (do tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát hành cho khách hàng chỉ để sử dụng để giao dịch trong chính hệ thống của tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó).

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư đã làm rõ trách nhiệm của Sở Giao dịch NHNN trong việc xác định thông tin về giá trị ký quỹ của thành viên quyết toán; bổ sung nội dung quy định về kỳ thiết lập hạn mức bù trừ điện tử (BTĐT), bao gồm trường hợp thiết lập, điều chỉnh Hạn mức BTĐT (trong đó, hạn mức BTĐT đầu kỳ cần dựa trên lịch sử giao dịch sẵn có của hệ thống); điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ thiết lập hạn mức BTĐT.

Các chính sách trên được đề xuất với mục tiêu tạo cơ sở rõ ràng trong thiết lập, quản lý hạn mức BTĐT của tổ chức chủ trì BTĐT, các thành viên tham gia Hệ thống BTĐT cũng như phù hợp với thực tiễn kinh nghiệm các nước trong việc quy định tỷ lệ ký quỹ đối với các thành viên tham gia hệ thống BTĐT.

Dự thảo Thông tư đã nghiên cứu, sửa lại quy định về quyền, trách nhiệm của các bên phù hợp hơn với thực tiễn triển khai./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động trung gian thanh toán