Cơ chế điều hành linh hoạt duy trì ổn định tỷ giá

(BKTO) - Trong tuần qua, diễn biến tỷ giá liên tục tăng nhận được sự quan tâm của thị trường. Giá bán ra của các ngân hàng có lúc tiến sát mức trần do NHNN quy định. Với biên độ +/- 5% theo quy định, hiện tỷ giá được phép giao dịch trong khoảng từ 22.836 đồng/USD đến 25.239 đồng/USD.

Tuy nhiên sau thông điệp của NHNN về sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết, đồng thời cơ quan điều hành cũng hút tiền trở lại thông qua chào bán tín phiếu cùng với việc chỉ số USD-Index giảm đã giúp tỷ giá hạ nhiệt đáng kể.

Trong phiên cuối tuần (5/4), tỷ giá trung tâm đang được NHNN niêm yết ở mức 24.038 đồng/USD, không đổi so với phiên liền trước. Trong khi đó, tỷ giá tại các NHTM giảm mạnh so với phiên liền trước. Cụ thể, Vietcombank mua bán USD ở mức 24.770 - 25.110 đồng/USD, giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua bán so với giá khảo sát phiên liền trước. VietinBank và BIDV cùng giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua bán, đang lần lượt niêm yết USD ở mức 24.780 - 25.120 đồng/USD và 24.785 - 25.095 đồng/USD.

ty-gia.jpg

Về lý do chính dẫn đến tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua cũng đã được giới chuyên môn chỉ ra: Kinh tế Mỹ vẫn đang rất mạnh, trong khi lạm phát tăng trở lại trong các tháng đầu năm khiến Fed được dự báo sẽ không sớm giảm lãi suất, từ đó đẩy đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Trong khi trong nước tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm khiến thanh khoản của hệ thống dư thừa, đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống rất thấp, khiến chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng nhiều thời điểm bị âm; thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu... vì thế nhu cầu ngoại tệ cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Song, thực tế dù tăng khá nhanh trong giai đoạn vừa rồi nhưng đến thời điểm hiện nay, đồng Việt Nam mất giá so với đồng USD vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và cả nước lớn. Đến thời điểm này, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD thị trường liên ngân hàng cũng đã có bước tăng khoảng 2,6%. Trong đó nhiều nước lớn như đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật cũng đã giảm giá 7,52%...

Giới chuyên môn đánh giá từ đầu năm đến nay, điều hành tỷ giá của NHNN rất chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. NHNN kịp thời phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND và tăng lãi suất liên ngân hàng thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất VND với USD, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Tất nhiên trong bối cảnh sức ép dồn dập đến từ nhiều phía, việc tỷ giá tăng là khó tránh khỏi trong giai đoạn vừa rồi. Song theo giới phân tích nhận định, áp lực chỉ là ngắn hạn và sẽ dịu đi vào cuối năm. Theo Nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo BIDV, áp lực tỷ giá sẽ giảm dần với nhiều lý do: Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất khá nhanh dự kiến vào cuối quý II/2024, giảm mức độ chênh lệch lãi suất USD và VND; cung - cầu ngoại tệ được bảo đảm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ thặng dư thương mại dự kiến ở mức 33-38 tỷ USD cả năm 2024; du lịch quốc tế ước đạt 17-18 triệu lượt khách, tăng 35%; giải ngân FDI dự kiến tăng 8-12% so với năm trước; kiều hối dự kiến tăng 15-20% so với năm 2023; điều hành tỷ giá linh hoạt; kỳ vọng mức tăng tỷ giá USD/VND trong năm 2024 sẽ không quá 2,5%.

Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trong trường hợp cần thiết, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ can thiệp để ổn định.

Dù vẫn trong tầm kiểm soát, song lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN luôn coi trọng các công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao cho điều hành của mình để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra. Đó là sự ổn định giá trị đồng tiền, luôn luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.

Ngoài ra hiện NHNN đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-NHNN theo hướng: cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa VND với USD trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ không quy định cụ thể tại Thông tư mà được quy định tại quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, cách xác định tỷ giá kỳ hạn hiện tại dựa hoàn toàn vào sự chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Bởi vậy việc sửa đổi này khi được ban hành sẽ loại bỏ cách xác định dựa trên ngang bằng lãi suất, giúp tỷ giá hoạt động trên nguyên lý thị trường hơn, qua đó loại bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ.

Với tất các những lý do trên, giới chuyên môn khuyến nghị người dân, nhà đầu tư nên cân nhắc khi tích trữ ngoại tệ. Bởi với chính sách điều hành tỷ giá hiệu quả của NHNN, đồng VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực, trong khi lãi suất đồng USD bằng 0 sẽ không mang lại lợi nhuận khi mua tích trữ đồng bạc xanh./.

Cùng chuyên mục
Cơ chế điều hành linh hoạt duy trì ổn định tỷ giá