Cấp cứu nạn nhân vụ sập giàn giáo ở Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh. Ảnh: T.K
Theo báo cáo của Cục ATLĐ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ năm 2005 đến cuối 2014, cả nước đã xảy ra 58.399 vụ TNLĐ, làm chết 5.791 người và 14.298 người bị thương nặng. Trong đó, các ngành để xảy ra nhiều TNLĐ nhất là xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp (chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người). Đáng lưu ý, từ đầu năm 2015 đến nay, đã có nhiều vụ TNLĐ xảy ra do sự cố công trình, thiết bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn Dương thuộc dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương; vụ cần cẩu bị đứt cáp làm 3 người dân đi đường tử vong tại thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và gần nhất là vụ tai nạn trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (TP. Hà Nội) làm 1 người đi đường chết tại chỗ, nhiều người bị thương…
Tại cuộc họp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNLĐ gia tăng đã được chỉ ra. Theo đại diện của Cục ATLĐ, nguyên nhân chính là do sự tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng như chất lượng khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình còn hạn chế, vi phạm các quy định về ATLĐ.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết thêm: Để xảy ra tình trạng TNLĐ nêu trên, trách nhiệm này còn thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn có liên quan tới yêu cầu bảo đảm ATLĐ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, kiểm định thiết bị, bảo hộ lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thanh tra có trọng tâm, trọng điểm tại các khu vực, các địa phương hay xảy ra sự cố cũng chưa được chú trọng. Chẳng hạn như khu kinh tế Vũng Áng có tới vài chục nhà thầu chính nhưng số lượng được kiểm tra về ATLĐ lại rất ít.
Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác cũng được đại diện các Bộ, ngành nêu rõ như: nhà thầu chưa thực sự coi trọng quản lý chất lượng an toàn; thiếu bố trí nhân sự phụ trách, giám sát, kiểm tra và thiếu trang thiết bị đảm bảo an toàn cá nhân...
Tạo hành lang pháp lý về ATLĐ
Trước thực trạng TNLĐ nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ở một số địa phương thời gian gần đây, đại diện các Bộ, ngành kiến nghị trước hết phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm của các nhà thầu. Đồng thời, các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống các phương tiện ATVSLĐ, phân tích cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ và làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, cần phải sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đảm bảo ATLĐ.
Trong khuôn khổ của kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII, thảo luận tại hội trường ngày 25/5, nhiều đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật ATVSLĐ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc chấn chỉnh thực trạng mất ATLĐ hiện nay. Đa số các đại biểu đều tán thành việc Dự thảo Luật ATVSLĐ mở rộng đối tượng áp dụng ở khu vực không có quan hệ lao động, bổ sung chính sách mới trong chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và nhiều quy định liên quan đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra... Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý về ATLĐ, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề, như: theo báo cáo của Cục ATLĐ, nguyên nhân của các vụ TNLĐ phần lớn là do chủ sử dụng lao động (chiếm khoảng 70%). Điều này cho thấy, Dự thảo Luật cần phải có chế tài đủ mạnh đối với chủ sử dụng lao động khi để mất ATLĐ là xác đáng.
Nhiều đại biểu còn đề nghị Dự thảo Luật phải làm rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với việc đảm bảo ATLĐ. Cụ thể, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Dự thảo Luật cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty đối với các đơn vị, DN thuộc quyền trực tiếp quản lý khi để xảy ra tai nạn.
Dẫn chứng những vụ TNLĐ tại Hà Nội và một số địa phương khác gần đây gây hậu quả nghiêm trọng khiến người đi đường bị thiệt mạng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đề nghị: Ngoài việc bảo vệ người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự án Luật cần rà soát lại các điều khoản để bổ sung những quy định cần thiết về bảo đảm ATLĐ cho những người khác có liên quan.
NGỌC MAI