Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Sáng tạo, đổi mới, chủ động thích ứng
Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 (khu vực phía Bắc) Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, UBTVQH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, giám sát giúp HĐND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày dự thảo Báo cáo. Ảnh: TTXVN |
Ngay sau khi cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tại kỳ họp này, nhiều địa phương ngoài việc xem xét các nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trận tự an toàn xã hội của địa phương. Phương thức tổ chức kỳ họp cũng thích ứng, linh hoạt với điều kiện mới.
Cũng theo đánh giá của UBTVQH, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”. Hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất trên cơ sở bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác...
Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
“HĐND cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động. Vì vậy, năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng HĐND với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm 2021” - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khái quát.
Tăng cường gắn kết, phát huy sức mạnh của các cơ quan dân cử
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, thực sự chưa khoa học; hoạt động chất vấn ở một số nơi còn hình thức. Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, cách thức, nội dung giám sát. Tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn tình trạng tiếp xúc “đại cử tri” là phổ biến. Hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà tham luận tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, cần rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; công tác tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”; chủ động tham gia từ sớm, từ xa của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong việc thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm, kỳ họp HĐND đảm bảo đúng quy định và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch tại địa phương.
Công tác giám sát tổ chức theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố. Tăng cường sự gắn kết của Quốc hội, UBTVQH, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan dân cử.
Tại Hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã trình bày tham luận trao đổi về những kết quả nổi bật, bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND cấp tỉnh; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cấp tỉnh trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh... Đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng tính chủ động cho hoạt động của HĐND.../.