Kịp thời giám sát việc thực hiện các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022

(BKTO) - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của HĐND năm 2022, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 khu vực phía Bắc, diễn ra sáng nay 21/2.



Hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân còn hạn chế

Chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, nhìn chung trong năm 2021, HĐND tỉnh, thành phố đã luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ. Hoạt động của HĐND các cấp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt, cam go của đại dịch Covid-19, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng mọi điều kiện, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao năm 2021 và tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, giai đoạn 2021-2026.                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN

   
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND. Theo đó, chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á. Việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH tại một số tỉnh, thành còn thiếu tích cực, lập và gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện. Quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND - Đoàn đại biểu Quốc hội - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố hiệu quả chưa đồng đều.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung theo luật số 47/2019/QH14 “ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ”, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.

Đồng thời, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố cả về tổ chức và đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền; quyết định các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực và giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương... tổ chức giám sát theo hướng dẫn của UBTVQH đối với các hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH để có kết quả cao nhất. Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố.                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

   
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, HĐND các địa phương kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND; tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, với UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, UBTVQH tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề....

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình của các kỳ họp HĐND phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật; công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND phải quyết liệt đổi mới, phải chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo khách quan, trung thực, có chính kiến.

Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn cũng như trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND phải trúng và đúng, lựa chọn những vấn đề nóng, có tính thời sự, liên quan đến cuộc sống, bức xúc của người dân và cử tri. Sau chất vấn phải tăng cường giám sát để hiệu lực và hiệu quả của vấn đề chất vấn phải được người dân và cử tri cảm nhận được những chuyển biến căn bản.

Từ kết quả của Hội nghị và 2 hội nghị khu vực sẽ được tổ chức trong thời gian tới, UBTVQH giao Ban công tác đại biểu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và các tỉnh, thành phố, cơ quan hữu quan; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo UBTVQH xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
ĐĂNG KHOA


Cùng chuyên mục
Kịp thời giám sát việc thực hiện các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022