Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016: Sẽ được lựa chọn phù hợp, bảo đảm tính khả thi

(BKTO) - Năm 2016, để bảo đảm phù hợp với bối cảnh chính trị đất nước, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp. Cùng với đó, dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2016 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng được lựa chọn một cách phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Đó là những nội dung đáng chú ý trong dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37.




Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2016 Ảnh: TTXVN
Trình bày báo cáo dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2016, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Năm 2016 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021… Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các cơ quan phải dành thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự… Trong bối cảnh chính trị đó, năm 2016 Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp. Trong đó, kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII, diễn ra vào cuối tháng 3/2016, mang tính chất tổng kết cả nhiệm kỳ và giám sát công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới, dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề. Tiếp đó, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV, sẽ diễn ra khoảng 20 ngày vào cuối tháng 7/2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Vì vậy, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội cũng không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.

Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá XIV, diễn ra vào cuối tháng 10/2016; hoạt động của Quốc hội đi vào ổn định, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, NSNN, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát. Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát một chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành giám sát trực tiếp một chuyên đề.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung giám sát chuyên đề là những vấn đề bức xúc nổi lên, được Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm song không tiến hành giám sát những chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thời gian gần đây. Đặc biệt, nội dung giám sát phải gắn với công tác xây dựng pháp luật và những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng liên quan đến mốc thời gian năm 2016. Để lựa chọn chuyên đề giám sát, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành xin ý kiến của 77 cơ quan. Tính đến ngày 24/3/2015, Văn phòng Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 43/77 cơ quan với 149 nội dung kiến nghị. Theo đó, nhiều đề xuất về nội dung giám sát đã được đưa ra như vấn đề nợ xấu, nợ công, quản lý và sử dụng vốn ODA, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vấn đề cổ phần hóa DN gắn với tái cơ cấu DN và xử lý nợ xấu… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là những vấn đề bức xúc nhưng đã được tiến hành giám sát trong thời gian gần đây.

Từ kết quả lựa chọn bước đầu và xin ý kiến đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp, Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 trong 3 nội dung. Đó là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) để thực hiện mục tiêu đến 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường trong nước và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giám sát 2 nội dung về chính sách, pháp luật về phát triển KHCN và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Văn phòng Quốc hội, việc giám sát nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển KHCN; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển KHCN; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về KHCN; gắn phát triển KHCN với thực hiện có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giúp cung cấp thông tin quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua nửa thời gian thực hiện Chương trình, việc giám sát nội dung này nhằm tìm ra những hạn chế, bất cập, từ đó, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và vốn; góp phần hoạch định chính sách tốt hơn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, làm nền tảng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Những nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016: Sẽ được lựa chọn phù hợp, bảo đảm tính khả thi